Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành nghị quyết 37/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định việc các cơ quan thanh tra được trích một phần từ các khoản tiền thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách nhà nước.
Trích tối đa 30% tổng số tiền đã nộp vào ngân sách đối với số nộp đến 50 tỉ đồng/năm
Theo đó, các khoản được trích gồm các khoản thu ngân sách nhà nước bị chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng trái pháp luật hoặc bị thất thoát do hành vi trái pháp luật gây ra được thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách nhà nước.
Các khoản chi ngân sách nhà nước sai chế độ, tiêu chuẩn, định mức được thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách nhà nước.
Về mức trích, Thanh tra Chính phủ được trích tối đa 30% tổng số tiền đã nộp vào ngân sách nhà nước đối với số nộp đến 50 tỉ đồng/năm.
Được trích thêm tối đa 20% tổng số tiền đã nộp vào ngân sách nhà nước đối với số nộp từ trên 50 tỉ đồng đến 80 tỉ đồng/năm; được trích thêm tối đa 10% tổng số tiền đã nộp vào ngân sách nhà nước đối với số nộp từ trên 80 tỉ đồng/năm.
Cơ quan thanh tra gồm thanh tra tỉnh, thanh tra tổng cục, thanh tra cục, cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan thanh tra trong quân đội, công an, Ngân hàng Nhà nước, cơ quan cơ yếu Chính phủ được trích tối đa 30% tổng số tiền đã nộp vào ngân sách nhà nước đối với số nộp đến 10 tỉ đồng/năm.
Được trích thêm tối đa 20% tổng số tiền đã nộp vào ngân sách nhà nước đối với số nộp từ trên 10 tỉ đồng đến 20 tỉ đồng/năm; được trích thêm tối đa 10% tổng số tiền đã nộp vào ngân sách nhà nước đối với số nộp từ trên 20 tỉ đồng/năm.
Cơ quan thanh tra huyện, cơ quan thanh tra tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội quy định, thanh tra sở được trích tối đa 30% tổng số tiền đã nộp vào ngân sách nhà nước đối với số nộp đến 2 tỉ đồng/năm.
Được trích thêm tối đa 20% tổng số tiền đã nộp vào ngân sách nhà nước đối với số nộp từ trên 2 tỉ đồng đến 3 tỉ đồng/năm; được trích thêm tối đa 10% tổng số tiền đã nộp vào ngân sách nhà nước đối với số nộp từ trên 3 tỉ đồng/năm.
Kinh phí được trích chi cho việc gì?
Theo nghị quyết quy định, kinh phí được trích nói trên được chi cho công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, giáo dục pháp luật của cơ quan thanh tra.
Chi cho tăng cường cơ sở vật chất, mua sắm máy móc, trang thiết bị, phương tiện làm việc; dùng cho đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra. Khen thưởng, động viên tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo…
Cơ quan thanh tra thuộc ngân sách nhà nước cấp nào thì ngân sách cấp đó có trách nhiệm bố trí dự toán chi ngân sách hằng năm số kinh phí được trích.
Nghị quyết được áp dụng từ năm ngân sách 2024.
Trước đó, lý giải việc trích, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho hay nguồn kinh phí trích cho cơ quan thanh tra những năm qua có tác dụng bù đắp cho sự thiếu hụt của cơ chế tài chính hiện hành khi phân bổ dự toán chi thường xuyên theo biên chế, chưa tính hết các yếu tố đặc thù của cơ quan thanh tra.
Ông nhấn mạnh thực tế nhiệm vụ đối với cơ quan thanh tra ngày càng tăng, yêu cầu và áp lực trong công tác của ngành thanh tra ngày càng cao, nhất là trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Theo ông Phong, tổng số kinh phí được trích bình quân trong 1 năm của giai đoạn 2018 - 2022 là 380 tỉ đồng.
Nếu thực hiện theo chính sách mới (tăng biên độ) thì kinh phí hằng năm trích cho các cơ quan thanh tra ước tính tăng 45 tỉ đồng (tăng khoảng 12%) so với mức được trích theo quy định hiện hành.
Với biên độ tăng này, tính bình quân đầu người của cơ quan thanh tra được hưởng theo cơ chế mới, tăng khoảng 2,467 triệu đồng/người/năm (khoảng 200.000 đồng/tháng). Mức tăng này là không đáng kể so với tốc độ của lạm phát.
So sánh với các ngành được hưởng cơ chế đặc thù, tổng Thanh tra Chính phủ cho hay Kiểm toán Nhà nước có kinh phí trích cao hơn 2 lần với kinh phí ngành thanh tra được trích.
Sau gần 3 năm kể từ khi tiến hành thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã họp công bố kết luận thanh tra về trách nhiệm, đất đai, đô thị… tại Bình Dương.