Tại Bir Rebaa, sâu trong sa mạc Sahara, tập đoàn năng lượng Eni của Italy và công ty năng lượng nhà nước của Algeria đang khoan hàng chục giếng, sản xuất khí đốt từ các mỏ mà chỉ vài tháng trước đây vẫn chưa được khai thác.
Ba đường ống dưới biển Địa Trung Hải kết nối trữ lượng khí đốt khổng lồ của Algeria với châu Âu. Trong phần lớn thập kỷ qua, gã khổng lồ khí đốt Gazprom của Nga giữ giá ở mức thấp, đẩy các nhà cung cấp như Algeria khỏi thị trường châu Âu.
Hiện nay, các quan chức Algeria đang đàm phán các hợp đồng khí đốt mới với khách hàng ở Đức, Hà Lan và một số nước châu Âu khác. Tập đoàn Eni của Italy đã đầu tư lớn vào sản xuất ở Algeria. Trong khi, chính phủ Algeria cũng đàm phán với các tập đoàn khổng lồ Chevron và Exxon Mobil của Mỹ về các thỏa thuận cho phép các công ty này sản xuất khí đốt tại Algeria.
Một tập đoàn do BP của Anh đứng đầu đang thúc đẩy sản xuất khí đốt ở Azerbaijan, nước láng giềng của Nga. Một chuỗi đường ống dài hơn 3.000km nối Azerbaijan với Italy. Các quan chức Azerbaijan cho biết họ đã sẵn sàng thực hiện cam kết tăng gấp đôi lượng khí đốt cung cấp cho châu Âu vào năm 2027.
Dòng khí đốt đến từ châu Phi và nước láng giềng của Nga
Tất cả các hoạt động trên đang chuyển hướng dòng khí đốt tự nhiên trên khắp thế giới. Trước đây, khí đốt chủ yếu chảy về phía Tây Nam từ Nga tới Địa Trung Hải. Hiện nay châu Âu đang chuẩn bị tăng cường nhập khẩu từ châu Phi, với dòng khí đốt chảy qua Italy đến Áo và các nước khác.
Châu Âu hy vọng dòng chảy mới sẽ cung cấp một vùng đệm năng lượng trong ba 3 năm tới, giai đoạn mà các quan chức và giới phân tích lo ngại tình trạng khủng hoảng nguồn cung sẽ nghiêm trọng nhất. “Lục địa già” cũng kỳ vọng nguồn khí đốt mới sẽ giúp giá giảm xuống sau khi các đường ống Dòng chảy phương Bắc của Nga bị phá hoại vào tháng 9/2022. Nguồn cung mới cũng sẽ thay thế một số loại nhiên liệu đắt đỏ mà châu Âu phải phụ thuộc vào trong năm qua, bao gồm LNG từ Mỹ và Qatar.
Trước phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Nga cung cấp 45% lượng khí đốt nhập khẩu của Liên minh châu Âu (EU). Con số này hiện giờ chỉ là 13%.
Giới lãnh đạo phương Tây đã bắt tay vào một chiến dịch ngoại giao năng lượng mạnh mẽ. Thủ tướng Italy Giorgia Meloni và người tiền nhiệm Mario Draghi đã tới Algeria để sắp xếp các hợp đồng khí đốt mới.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz tới thăm các quốc gia châu Phi có trữ lượng năng lượng đáng kể trong những tháng sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát. Các giám đốc điều hành của Eni cũng đã đi khắp lục địa này để tìm kiếm nguồn khí đốt mới cho Italy.
“Chúng tôi đã ngay lập tức kết nối với các nước láng giềng, đặc biệt là những nước có khả năng phản ứng nhanh nhất, như Algeria”, ông Guido Brusco, giám đốc điều hành phụ trách hoạt động sản xuất dầu khí của Eni nói.
Ông Luigi Di Maio, Ngoại trưởng Italy trong chính quyền Thủ tướng Mario Draghi đầu năm 2022, đã tới Azerbaijan để đảm bảo các cam kết về nguồn cung cấp mới.
Hiện nay, tại Azerbaijan, một tập đoàn do BP của Anh đứng đầu đang nỗ lực thúc đẩy sản xuất từ dự án Shah Deniz ở Biển Caspian. Các công ty này cũng đang nỗ lực khai thác nguồn khí đốt bị mắc kẹt bên dưới trữ lượng dầu tại mỏ ACG ở Caspian, cách Baku khoảng 95km về phía Đông. Các dự án mới này sẽ giúp Azerbaijan đáp ứng thỏa thuận được ký năm ngoái nhằm tăng khối lượng khí đốt từ cung cấp cho châu Âu từ 10 tỷ mét khối khí đốt lên 20 tỷ mét khối vào năm 2027.
Italy trở thành trung tâm khí đốt mới ở châu Âu
Cơ sở dầu khí của Eni ở Bir Rebaa nằm trên Sahara, cách thủ đô Algiers của Algeria gần 800km về phía Đông Nam. Alessandro Tiani, giám đốc điều hành của Eni ở Algeria, đã tới đây chỉ vài tuần sau khi xung đột Nga-Ukraine bắt đầu bùng phát, với sứ mệnh đảm bảo rằng Italy – và rộng hơn là toàn bộ châu Âu – sẽ có đủ khí đốt khi Nga cắt nguồn cung.
“Chúng tôi đã tăng tốc hết mức có thể”, ông Tiani nói.
Các quan chức Algeria cho biết năm nay nước này có thể xuất khẩu 100 tỷ mét khối khí đốt - tương đương khoảng 65% trong số gần 160 tỷ mét khối mà EU đã nhập khẩu từ Nga vào năm 2021.
Nhiều năm trước khi khí đốt giá rẻ của Nga xuất hiện, Algeria từng là nhà cung cấp hàng đầu cho Italy. Giờ đây, nước này một lần nữa lấy lại vị trí dẫn đầu, giúp Italy gần như thay thế hoàn toàn lượng khí đốt mà nước này nhận được từ Nga.
Italy muốn tận dụng thành công của Algeria để xuất khẩu khí đốt qua biên giới phía Bắc, sang Áo, Đức và các nước lân cận khác. Chính phủ Italy gần đây đã đẩy nhanh việc xây dựng một đường ống mới để vận chuyển khí đốt về phía Bắc.
Mối đe dọa từ sự phụ thuộc
Vai trò mới của Algeria với tư cách là một nhà cung cấp năng lượng cũng khiến Mỹ và châu Âu thận trọng. Algeria từ lâu đã có mối quan hệ chặt chẽ với Nga và Algeria là một trong những khách hàng lớn nhất thế giới mua thiết bị quân sự của Nga.
Tháng 6, Tổng thống Algeria Abdelmadjid Tebboune đã gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moscow và nhất trí về điều mà hai quốc gia gọi là “tăng cường quan hệ đối tác chiến lược”.
Algeria có kế hoạch sử dụng lợi nhuận từ dầu khí để tăng gần gấp đôi ngân sách quốc phòng. Các nước phương Tây lo ngại rằng phần lớn chi tiêu đó có thể rơi vào ngành công nghiệp vũ khí của Nga. Washington đã cảnh báo Algeria rằng việc mua sắm đáng kể từ Nga sẽ khiến nước này có nguy cơ bị Mỹ trừng phạt, theo đạo luật nhằm chống lại việc bán vũ khí của Nga, Iran và Triều Tiên. Cả Mỹ và các cường quốc quân sự ở châu Âu đều nhấn mạnh họ có thể giúp Algeria lấp đầy khoảng trống.
Một quan chức Mỹ ở Algiers cho biết: “Việc mua sắm quân sự không thể bị đảo ngược chỉ sau một đêm. Tuy nhiên, Algeria có thể tránh mua thêm thiết bị quân sự của Nga với số lượng lớn. Chúng tôi khuyến khích họ đa dạng hóa việc mua sắm quốc phòng ngoài Nga”.
Một số nhà lập pháp châu Âu lo ngại rằng sự phụ thuộc ngày càng tăng vào Algeria và Azerbaijan có thể một lần nữa khiến lục địa này rơi vào thế khó khi một nhà cung cấp năng lượng độc quyền đưa ra quyết định bất ngờ. Roberto Cingolani, cựu bộ trưởng môi trường Italy, người đã giúp lãnh đạo phản ứng ngoại giao của đất nước trước cuộc khủng hoảng năng lượng sau khi chiến tranh bắt đầu, cho biết chính sách tốt nhất là đa dạng hóa nguồn cung cấp khí đốt của lục địa.
“Nên có càng nhiều nhà cung cấp càng tốt, để giảm thiểu rủi ro một bên nào đó sử dụng khí đốt làm đòn bẩy trong cuộc chiến địa chính trị”, ông nói.
Xem thêm: nhc.745746251229032881-uac-naot-gnoul-gnan-neihc-couc-gnort-nol-gnaht-aig-couq-gnuhn/nv.fefac