Nhiều vấn đề liên quan đến đảm bảo an toàn cho trẻ mầm non đã được các nhà quản lý giáo dục, các chủ trường, giáo viên mầm non đưa ra tại hội thảo "Xây dựng môi trường nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ tại cơ sở giáo dục mầm non độc lập trên địa bàn TP Thủ Đức và quận, huyện có khu công nghiệp, khu chế xuất", do Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM tổ chức ngày 22-9.
Thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đã tiến hành khảo sát, kiểm tra điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ tại 100 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập.
Kết quả của đợt kiểm tra cho thấy bên cạnh một số nơi có điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục đạt chuẩn, trên chuẩn, có sự phối hợp tốt giữa phụ huynh và đơn vị giáo dục thì vẫn còn nhiều nơi có những vấn đề cần phải chấn chỉnh, giải quyết.
Cụ thể, ghi nhận của phòng giáo dục mầm non Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cho thấy diện tích một số nhóm, lớp nhỏ hẹp, chưa đảm bảo để tổ chức các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ. Điều này dẫn đến hạn chế việc phát triển tình cảm, kỹ năng xã hội cho trẻ.
Không ít cơ sở giáo dục mầm non được kiểm tra chưa chú trọng đầu tư, cải tạo, trang bị mới các đồ dùng đồ chơi, đồ dùng phục vụ bán trú; chưa trang bị đủ đồ dùng đồ chơi tối thiểu…
Đáng nói là tại một số nơi môi trường giáo dục chưa phù hợp lứa tuổi, kém thẩm mỹ; một số đơn vị còn thiếu giáo viên, giáo viên chưa đạt chuẩn…
Không những thế, ở một số nơi giáo viên tuy có tổ chức thực hiện các hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ nhưng hình thức, phương pháp giảng dạy chưa phong phú, chưa linh hoạt, chưa phát huy tính chủ động của trẻ.
"Một số cơ sở chưa chú ý công tác đảm bảo an toàn cho trẻ. Ví dụ, cơ sở sử dụng các thiết bị điện tử treo tường cồng kềnh, khu vực máy tính chưa an toàn điện; kệ cặp dép, đồ chơi bị hư hỏng chưa sửa chữa kịp thời; sắp xếp các vật dụng chưa ngăn nắp, gọn gàng" - cô Nguyễn Thị Đoan Trang, chuyên viên phòng giáo dục mầm non Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, trình bày tại hội thảo.
Trước tình trạng đó, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM yêu cầu các phòng giáo dục và đào tạo quận, huyện, TP Thủ Đức trong thời gian tới cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền phường, xã, thị trấn trong việc thẩm định điều kiện cấp phép thành lập các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập.
Bên cạnh đó các đơn vị quản lý cần thường xuyên rà soát, kiểm tra hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập các nội dung về công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ.
Đảm bảo an toàn cho trẻ là điều kiện thành lập nhóm trẻ
Phát biểu chỉ đạo hội thảo, bà Lê Thụy Mỵ Châu, phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, cho biết TP.HCM sẽ đưa nội dung tiêu chí xây dựng trường học an toàn phòng chống tai nạn thương tích vào tiêu chuẩn điều kiện trong việc thành lập nhóm lớp tư thục. Việc cấp phép thành lập cơ sở mầm non chỉ được thực hiện khi cơ sở có đủ ba điều kiện: cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, đảm bảo tính an toàn cho trẻ.
Cũng tại hội thảo, bà Châu nhấn mạnh rằng các chủ cơ sở mầm non độc lập cần lưu tâm đến hai vấn đề rất quan trọng là đảm bảo an toàn cho trẻ và giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho giáo viên.
TP.HCM hiện có 16 khu chế xuất, khu công nghiệp đang hoạt động tại TP Thủ Đức, quận 7, quận 12, quận Tân Phú, quận Tân Bình, quận Bình Tân, huyện Củ Chi, huyện Bình Chánh và huyện Nhà Bè với 785 trường, 1.286 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập với tổng số 216.653 trẻ.
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Nghệ An cho biết đã có kết luận nguyên nhân 76 trẻ mầm non ở huyện Đô Lương bị ngộ độc sau khi ăn sữa chua tại trường.