Chiều 22-9, dịch vụ tư vấn pháp luật miễn phí dành cho nam giới có hành vi bạo lực đã ra mắt tại Hà Nội.
Dịch vụ do Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) phối hợp với các đơn vị tổ chức, cùng với sự hỗ trợ của cơ quan Liên Hiệp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) là một phần trong mục tiêu huy động nam giới và trẻ em trai phòng ngừa, ngăn chặn bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam do UN Women Việt Nam triển khai.
Tiến sĩ Khuất Thu Hồng - viện trưởng ISDS - cho biết tại Việt Nam dường như đã quá quen thuộc với câu chuyện bạo lực với phụ nữ, cùng với đó là những giải pháp, dịch vụ hỗ trợ cho nạn nhân của bạo lực giới.
"Có người đặt câu hỏi với tôi rằng nam giới đã gây ra bạo lực sao lại được hỗ trợ, tư vấn, trong khi ở Việt Nam dịch vụ hỗ trợ cho nạn nhân bạo lực giới vẫn còn khá khiêm tốn.
Tuy nhiên nếu có nạn nhân thì chắc chắn phải có người gây ra, hai vế đó phải gắn liền với nhau. Cho nên nếu đã hỗ trợ cho nạn nhân thì câu chuyện đặt ra là chúng ta có thể làm gì với người gây ra bạo lực, để giảm thiểu tình trạng bạo lực ở Việt Nam?" - bà Hồng đặt vấn đề.
Theo bà, hiện nay pháp luật Việt Nam đã có các quy định về chế tài xử phạt với người gây ra bạo lực, thế nhưng tình trạng này vẫn chưa thuyên giảm.
Cụ thể, theo báo cáo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cho thấy, cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 phụ nữ (gần 63%) bị một hoặc hơn một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần và bạo lực kinh tế cũng như kiểm soát hành vi do chồng gây ra trong cuộc đời.
Bà Hồng chia sẻ những người gây ra bạo lực cho phụ nữ, trong đó có nam giới đôi khi không nhận thức được rằng họ đang vi phạm pháp luật do thiếu kiến thức về luật pháp, thiếu hướng dẫn, hỗ trợ, đồng hành trong quá trình xây dựng các mối quan hệ, giải quyết mâu thuẫn ở trong gia đình.
Do đó, cần có nhiều sáng kiến mở rộng hơn, với nhiều dịch vụ khác nhau để trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật cho nam giới gây ra bạo lực để giải quyết tình trạng nói trên.
Đại diện cho UN Women cũng mong muốn dịch vụ này sẽ cung cấp thông tin, tư vấn pháp luật cho nam giới có hành vi bạo lực, đồng thời cảnh báo những hậu quả họ sẽ gặp phải nếu tiếp tục thực hiện hành vi này ở các cấp độ khác nhau.
Đối tượng tư vấn là nam giới tại Việt Nam sẽ được tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí bằng cả hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Khách hàng có thể trực tiếp tới văn phòng của ISDS hoặc đối tác để được tư vấn (yêu cầu đặt hẹn trước) hoặc khách hàng cũng có thể được tư vấn trực tuyến. Tất cả các thông tin đều sẽ được bảo mật và mã hóa để bảo vệ bí mật đời tư của khách hàng.
TTO - 62,9% phụ nữ Việt Nam phải trải qua một hoặc nhiều hình thức bạo lực về thể chất, tình dục, tinh thần và kinh tế, hay chịu hành vi kiểm soát của chồng trong đời.