Giá trị đó không được đại diện bởi gói hỗ trợ an ninh bổ sung lên đến 325 triệu USD do Bộ Quốc phòng Mỹ công bố, mà nằm ở một quá trình vận động dư luận hiệu quả từ phía Ukraine nhằm duy trì sự ủng hộ liên tục của Chính phủ Mỹ dù cho bối cảnh có đang bất lợi đến mức nào.
Vượt qua nhiều rào cản
Không chỉ diễn ra trong thời điểm mà các cuộc khảo sát những người ủng hộ Đảng Cộng hòa ở Mỹ cho thấy đa số người được hỏi muốn không nên cấp thêm tài trợ bổ sung cho Ukraine, chuyến thăm của ông Zelensky trên thực tế còn vấp phải sự phản đối công khai từ không ít nghị sĩ ở Hạ viện hiện đang do Đảng Cộng hòa kiểm soát và cả ở Thượng viện.
Ông Zelensky đến đồi Capitol gặp lãnh đạo hai đảng Cộng hòa và Dân chủ ở cả lưỡng viện, đến Lầu Năm Góc gặp Bộ trưởng Quốc phòng và đến Nhà Trắng gặp Tổng thống Biden. Ngược với không khí chào đón nồng hậu ở Nhà Trắng và Lầu Năm Góc, ở đồi Capitol chỉ là những cuộc gặp, khác với bối cảnh chào đón ông Zelensky nồng nhiệt vào tháng 12-2022 khi Đảng Dân chủ còn nắm Hạ viện.
Con số 325 triệu USD của gói hỗ trợ lần này cũng nhỏ hơn rất nhiều so với gói 1,5 tỉ USD viện trợ quân sự được Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken công bố ở chuyến thăm gần đây.
Ngay cả việc Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy không đồng ý để ông Zelensky phát biểu trước Quốc hội Mỹ, đồng thời từ chối cam kết tổ chức bỏ phiếu về gói 24 tỉ USD dành cho Ukraine, cũng cho thấy áp lực rất lớn từ cả chính giới lẫn dư luận Mỹ đối với cuộc vận động viện trợ lần này của phía Ukraine.
Tuy nhiên, thông qua tuyên bố "đảm bảo thế giới sát cánh cùng Ukraine" của Tổng thống Mỹ Joe Biden và lời cảm ơn chân thành về "575 ngày hỗ trợ liên tục" mà ông Zelensky gửi đến ông Biden có thể thấy rõ kết quả của cả một hành trình vận động gần hai năm từ phía Ukraine.
Điển hình nhất trong đó chính là nỗ lực "giãn dần" các giới hạn của Mỹ đối với nhóm khí tài nhạy cảm có khả năng kích hoạt "Thế chiến thứ 3".
Mặc dù lần này hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) có tầm bắn lên đến 300km đã không được chuyển giao, nhưng sự nhân nhượng từng bước của phía Mỹ đối với Hệ thống tên lửa phóng loạt dẫn đường (GMLRS) (tháng 6-2022), đạn chùm (DPICM) (tháng 7-2023), đạn uranium nghèo (tháng 9-2023) và sắp tới là các chiến đấu cơ F-16 cho thấy quá trình vận động có hiệu quả của ông Zelensky.
Ngay cả quyết định cung cấp xe tăng Abrams cho Ukraine lần này cũng thể hiện một sự thay đổi lập trường của giới tinh hoa quốc phòng Mỹ khi thường viện dẫn sự phức tạp của công tác hậu cần như mua phụ tùng thay thế, kho bãi và bảo trì chung để ngăn cản.
Xe tăng Abrams đến Ukraine vào tuần tới sẽ được trang bị đạn uranium nghèo có khả năng xuyên giáp 120mm - một loại đạn bị phía Nga lên án gay gắt.
Không chỉ vậy, ngay trước thời điểm chuyến thăm diễn ra, Ngoại trưởng Mỹ Blinken cũng lần đầu tiên xác nhận lập trường "không ngăn cản" quân đội Ukraine sử dụng vũ khí viện trợ để tấn công vào các lãnh thổ Ukraine đang do Nga kiểm soát vì lý do "lấy lại lãnh thổ".
Củng cố nền tảng lâu dài
Cho dù các chiến quả sau hơn ba tháng tổng phản công của Ukraine vẫn chưa rõ ràng và các nguồn viện trợ khí tài tầm xa như tên lửa Storm Shadow và SCALP từ nhóm đồng minh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), với chủ lực là Anh và Pháp, đã cạn kiệt, phía Mỹ vẫn duy trì đều đặn viện trợ quân sự với tổng trị giá hơn 43 tỉ USD cho gần 18 tháng chiến sự ở Ukraine.
Quá trình phía Mỹ giúp nâng cao năng lực tấn công của Ukraine từ hệ thống GMLRS (tầm bắn 70km) cho đến nhóm tên lửa Storm Shadow (tầm bắn 250km) đã khiến phía Nga phải di chuyển các kho đạn dược và trung tâm hậu cần dã chiến lùi sâu hơn về hậu phương.
Không chỉ vậy, chính quyền Tổng thống J. Biden còn tiến hành ký kết bản ghi nhớ giữa Bộ Công nghiệp chiến lược Ukraine, Liên minh Công nghiệp quốc phòng toàn cầu, Liên minh Công nghiệp quốc phòng Arizona và Hiệp hội Quốc phòng và hàng không vũ trụ Utah.
Đây là ba hiệp hội chủ chốt bao gồm hơn 2.000 doanh nghiệp quốc phòng thành viên có nhu cầu tham gia hợp tác sản xuất tại Ukraine. Ukraine vì vậy sẽ có thể sản xuất các hệ thống phòng không, xây dựng một hệ sinh thái phòng thủ mới cùng với hỗ trợ công nghệ từ Mỹ.
Dựa trên nền tảng gắn kết này, Ukraine và Mỹ dự kiến đồng tổ chức Diễn đàn công nghiệp quốc phòng quốc tế tổ chức tại Kiev vào mùa thu này.
Thêm vào đó, Mỹ cũng nhất trí về các bước cụ thể để mở rộng xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine trước sự phong tỏa của Nga và căng thẳng với nước láng giềng Ba Lan, đồng thời công bố Đại diện đặc biệt của Mỹ về phục hồi kinh tế Ukraine tạo thêm cơ sở cho công cuộc tái thiết sắp tới.
Nhìn chung quãng đường vận động của chính quyền ông Zelensky trong suốt 18 tháng chiến sự đã duy trì hiệu quả các hỗ trợ an ninh từ phía Mỹ liên tục trong 575 ngày. Đây có thể là một kết quả rất đáng ghi nhận mặc cho bối cảnh đang ngày càng bất lợi về dư luận cũng như thực địa chiến trường.
Canada đón tiếp nồng nhiệt ông Zelensky
Tối 21-9 (theo giờ Canada), Tổng thống Zelensky đã có chuyến thăm đầu tiên tới Canada kể từ khi xung đột với Nga nổ ra vào tháng 2-2022. Ông được Thủ tướng Canada Justin Trudeau đón tại ngay tận chân cầu thang máy bay ở thủ đô Ottawa.
Canada là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Giống nhiều nước phương Tây khác, thời gian qua Canada đã viện trợ quân sự và tài chính cho Kiev sau khi chiến sự nổ ra. Theo lịch trình, ngày 22-9 ông Zelensky có cuộc hội đàm chính thức với ông Trudeau và có bài phát biểu trước Quốc hội Canada. (B.A.)
Ngày 22-9, thủ tướng Ba Lan yêu cầu tổng thống Ukraine ngừng "xúc phạm" người Ba Lan, duy trì giọng điệu gay gắt giữa tranh chấp ngũ cốc.