Bình Thuận là một trong những tỉnh khô hạn nhất cả nước.Lượng mưa trung bình năm chỉ có khoảng 1.200 mm, có nơi chỉ 700 mm, chủ yếu tập trung từ tháng 5 đến cuối tháng 10 là hết mưa. Về mùa khô, năm nào cũng xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt và sản xuất. Để khắc phục tình trạng thiếu nước, ngay từ khi mới tách tỉnh (1992), Bình Thuận đã chú trọng xây dựng hệ thống hồ, đập chứa nước và hệ thống kênh dẫn kết nối các hồ chứa với nhau.
Khi mới tách tỉnh, Bình Thuận chỉ có sản lượng 40.000 tấn lúa/năm, đến nay sản lượng lúa toàn tỉnh là 750.000 tấn, chưa kể diện tích thanh long hơn 28.000 ha luôn đảm bảo nước tưới. Theo ông Nguyễn Hữu Quý, nguyên giám đốc các sở: Thủy lợi, NN-PTNT và KHCN Bình Thuận thì thành quả từ nông nghiệp của Bình Thuận được như ngày nay là nhờ hệ thống hồ đập thủy lợi phát triển.
Tính đến nay, tổng số hồ, đập của Bình Thuận được xây dựng là 49 hồ, đập với tổng dung tích 442 triệu m3. Trong đó có 3 hồ có dung tích trên 50 triệu m3; 3 hồ có dung tích từ 30 đến dưới 50 triệu m3; 2 hồ có dung tích từ 10 đến dưới 30 triệu m3; 7 hồ có dung tích từ 3 đến 10 triệu m3; còn lại là các hồ dung tích nhỏ. Tuy vậy, tổng diện tích đất nông nghiệp được tưới của cả tỉnh chỉ đạt 16,48% (54.000/320.000 ha).
Trong tuần qua, PV Thanh Niên đã đi khảo sát 10 hồ đập lớn nhất của cả tỉnh Bình Thuận ở các huyện: Tánh Linh, Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình và Tuy Phong. Dưới đây là một số hình ảnh và thông tin các hồ, đập lớn Bình Thuận.