Áp dụng ESG còn giúp mở rộng thị trường xuất khẩu
“Hiện nay, nhiều ngân hàng và các quỹ đầu tư quốc tế đều có chung nhận định là bộ tiêu chuẩn Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) đang ngày càng trở nên quan trọng trong các quyết định đầu tư của họ. Điều đó có nghĩa là, trong thời gian sắp tới, các dự án và doanh nghiệp không đáp ứng được các tiêu chuẩn ESG sẽ rất khó để tiếp cận nguồn vốn”, ông Don Lam, Tổng giám đốc và Cổ đông sáng lập Tập đoàn VinaCapital chia sẻ tại tọa đàm “Báo chí, truyền thông đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển xanh” với chủ đề: Hành động hướng tới Net Zero, diễn ra sáng 23/9 tại TP.HCM.
Theo ông Don Lam, không chỉ các dự án và doanh nghiệp không đáp ứng được các tiêu chuẩn ESG sẽ rất khó để tiếp cận nguồn vốn mà xu hướng chung là người tiêu dùng cũng ngày càng muốn tiêu thụ sản phẩm từ các công ty phát triển bền vững và minh bạch. Chính vì thế, áp dụng ESG trong hoạt động sản xuất kinh doanh không chỉ giúp các doanh nghiệp thu hút vốn đầu tư mà còn giúp mở rộng thị trường xuất khẩu.
Ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch GIBC và PRO Việt Nam cho biết, bên cạnh các nỗ lực giảm phát thải carbon, thị trường carbon đã được hình thành là một sáng kiến tuyệt vời, tạo thêm nguồn lực về tài chính, hỗ trợ trực tiếp vào việc giảm phát thải ..
Hiện nay, giá trị của thị trường carbon toàn cầu đã lên đến hàng trăm tỷ USD. Thị trường này đang được đánh giá là tăng trưởng rất nhanh theo yêu cầu cam kết của lộ trình Net Zero 2050 (riêng Tesla đã thu về hơn 2 tỷ USD từ việc bán tín chỉ carbon trong năm 2022...).
Tại Việt Nam, mục tiêu và biện pháp nhằm giảm phát thải khí nhà kính tập trung vào 5 ngành nghề chính, bao gồm: Năng lượng, Giao thông, Sản xuất công nghiệp, Xây dựng và chất thải. Các thị trường tự nguyện của Tín chỉ carbon tại Việt Nam hiện nay cũng đang trong quá trình phát triển.
“Việt Nam hiện nay không hề đứng ngoài dòng chảy của thế giới, mà đang chuyển động cùng để có thể hướng đến và xây dựng một nền kinh tế xanh và bền vững”, ông Trai nói.
Theo Chủ tịch GIBC và PRO Việt Nam, kinh tế xanh không còn là sự chuyển đổi theo nhiệm ý, mà đã trở thành sự tất yếu trong quá trình phát triển bền vững của doanh nghiệp. Mô hình kinh tế tuyến tính, nơi chỉ có khai thác và tận dụng tài nguyên, không còn là lựa chọn thích hợp cho việc phát triển bền vững và lâu dài. Các doanh nghiệp đã dần chuyển sang mô hình kinh tế tuần hoàn, người tiêu dùng cũng dần chuyển sang lựa chọn các sản phẩm mang “thương hiệu xanh”.
Theo báo cáo của World Bank, đến năm 2030, nền kinh tế tuần hoàn sẽ cộng thêm 4.500 tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, Việt Nam cũng như một số quốc gia đang phát triển hoặc vừa chạm ngưỡng của thu nhập trung bình, đa số chưa kịp chuyển đổi từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn nên hiện nay chúng ta đang gặp phải những khó khăn về độ tăng trưởng của nền kinh tế, ảnh hưởng sau đại dịch cũng như những tác động khác về địa chính trị trên thế giới... Vì vậy, khi áp dụng những quy định trong xuất nhập khẩu hàng hoá cũng như đầu tư nước ngoài theo xu thế xanh...
"Chúng ta cũng đang đối đầu với những thách thức to lớn, chẳng hạn như một số đơn hàng dệt may (vị thế số 2 thế giới) của chúng ta đã chuyển dịch sang Bangladesh, do thiếu tiêu chuẩn xanh...", ông Ngọc Trai nêu ví dụ và cho biết thêm, nếu không hành động, thì Việt Nam cũng khó đón được cơ hội từ làn sóng các doanh nghiệp FDI dịch chuyển ra ngoài Trung Quốc, bởi các tổ chức lớn hiện nay chỉ lựa chọn đầu tư ở những quốc gia có môi trường và hệ sinh thái xanh…
Cần nhận thức được tầm quan trọng của ESG đối với chiến lược phát triển
Theo ông Don Lam, để thực hiện xanh hóa nền kinh tế cần sự chung tay của rất nhiều nguồn lực. Nhà nước sẽ đóng vai trò định hướng cho thúc đẩy tăng trưởng xanh, qua đó dẫn dắt và thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài. Kinh nghiệm và nguồn lực của các tổ chức tài chính và các quỹ đầu tư lớn là rất cần thiết và quan trọng để thúc đẩy đầu tư và cung cấp nguồn vốn cho phát triển xanh.
Ngoài ra, để tiếp cận ESG, theo Don Lam, bước đầu các doanh nghiệp cần nhận thức được tầm quan trọng của ESG đối với chiến lược phát triển của doanh nghiệp. Nếu một doanh nghiệp có hệ thống quản trị tốt và ban lãnh đạo có tầm nhìn dài hạn thì sẽ có những chiến lược phù hợp để giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường và nâng cao phúc lợi cho nhân viên.
“Doanh nghiệp cũng cần xây dựng bộ phận chuyên trách và theo dõi quá trình thực hiện ESG và là đầu mối liên hệ giữa doanh nghiệp với các nhà đầu tư, đối tác thương mại về các thông tin liên quan đến ESG. Song song đó, cần có hệ thống ghi chú, lưu trữ thông tin liên quan đến thực hành ESG của mình”, Tổng giám đốc VinaCapital nhấn mạnh.
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, ông Vũ Đức Đam Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế – Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, ngày 31/8/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1009/QĐ-TTg phê duyệt Đề án triển khai JETP. Đề án xác định quan điểm, mục tiêu, và 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm để các Bộ, ngành, địa phương thực hiện… Kế hoạch đề ra lộ trình nhằm đạt được các mục tiêu chuyển đổi năng lượng công bằng của JETP và huy động nguồn tài chính cần thiết để thực hiện JETP. JETP sẽ hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu mới như sau: Đẩy nhanh thời gian đạt đỉnh phát thải khí nhà kính dự kiến từ năm 2035 lên 2030…
Cho đến hiện tại, Việt Nam là quốc gia thứ 3 trên thế giới ký kết JETP với các nước IPG sau Nam Phi và Indonesia. Theo tuyên bố, các đối tác JETP sẽ huy động số tiền ban đầu lên tới ít nhất là 15,5 tỷ USD cho Việt Nam trong vòng 3 - 5 năm tới. Trong đó, 7,75 tỷ USD do IPG (bao gồm những đối tác như: Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu, Đức, Anh, Pháp, Na Uy, Đan Mạch...) cam kết huy động với điều kiện vay hấp dẫn hơn so với thị trường vốn hiện tại. Đồng thời, Liên minh tài chính Glasgow vì mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (GFANZ) sẽ huy động và thúc đẩy thêm ít nhất 7,75 tỷ USD tài chính tư nhân.