Bởi theo Thủ tướng, nhân tố này giúp thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia và giải quyết hiệu quả các thách thức chung.
Việc Thủ tướng ưu tiên "lòng tin chiến lược" như là giải pháp trọng tâm cho các vấn đề toàn cầu không chỉ giúp nêu cao chủ đề cuộc họp năm nay là "Xây dựng lại lòng tin và thúc đẩy đoàn kết toàn cầu", mà còn phản ánh sự trưởng thành và nhạy bén của nền ngoại giao Việt Nam hiện đại.
Cơ sở của "lòng tin chiến lược"
Như Thủ tướng đã đề cập, thế giới đang đối diện với hàng loạt thử thách, nổi bật là xung đột, chạy đua vũ trang, nguy cơ vũ khí hạt nhân, sự chậm phục hồi của nền kinh tế thế giới. Trong bối cảnh đó, xây dựng và củng cố lòng tin chiến lược đóng vai trò nền tảng, giúp các nước vượt qua khác biệt, thúc đẩy đối thoại, tăng cường hiểu biết và thắt chặt quan hệ.
Ý nghĩa của "lòng tin chiến lược" chính là sự hợp tác giữa các quốc gia chỉ có thể được tiến hành và duy trì khi các bên có được ba niềm tin, đó là: tin vào đối tác, tin vào hợp tác thực tâm và tin vào luật pháp quốc tế. Có những nội dung cần chú ý liên quan đến tính "chiến lược" trong khái niệm "lòng tin chiến lược".
Trước tiên, trong khi "lòng tin" là tiền đề đảm bảo cho hợp tác bền chặt thì sự chân thành là cốt lõi để các bên tạo dựng, duy trì và củng cố lòng tin. Bởi lẽ, không có sự chân thành thì hiểu lầm có thể nảy sinh, lòng tin dễ lung lay và hợp tác thực tâm khó xảy ra.
Hoặc nếu hợp tác có tồn tại thì các bên cũng khó chạm đến các vấn đề nhạy cảm hay đòi hỏi các nỗ lực thực chất, lâu dài. Trước các thách thức, sự chân thành giúp các bên cùng chia sẻ, cảm thông và tăng hy vọng giải quyết các trở ngại từ cả góc độ song phương lẫn đa phương.
Lòng tin chiến lược cũng mang hàm ý về các cam kết nghiêm túc và lâu dài. Muốn có cam kết thì các nước phải có tầm nhìn rõ ràng và hiểu biết về nhau, đồng thời phải có sự độc lập trong việc hoạch định chính sách đối ngoại. Theo đó, các bên cần tương tác thường xuyên, tăng cường trao đổi và duy trì khả năng linh hoạt trong xử lý các vấn đề phát sinh.
Tính chiến lược phản ánh các bên cùng chia sẻ lợi ích chung ở mức độ cao. Muốn lợi ích chung trở thành chất keo kết dính quan hệ thì hiểu biết sâu sắc về phương châm đối ngoại, những mối quan tâm chủ yếu và các chính sách cụ thể của nhau là rất quan trọng.
Để lợi ích chung lớn hơn thì các bên cũng cần cải thiện những hạn chế và tăng cường các liên kết ở nhiều cấp độ (như chính phủ, địa phương), phạm vi (khu vực, liên khu vực, toàn cầu) và thành phần tham dự (như học giả, doanh nghiệp, người dân).
Song song đó, tính chiến lược còn liên quan đến sự tin tưởng vào "trật tự quốc tế dựa trên luật lệ", tuân thủ luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hiệp Quốc, tin tưởng vào các cơ chế đa phương trong giải quyết các thách thức.
Muốn vậy, các bên phải có trách nhiệm cùng chung tay xây dựng một nhận thức chung về tầm quan trọng của các cơ chế giải quyết tranh chấp, và nghiêm túc với các nguyên tắc, chuẩn mực đã thỏa thuận.
Việt Nam coi trọng niềm tin, trách nhiệm
Với Việt Nam, lòng tin chiến lược là một trụ cột quan trọng trong việc xây dựng và phát triển quan hệ đối ngoại. Thủ tướng chỉ ra, "trải qua nhiều đau thương, hy sinh, mất mát từ nhiều cuộc chiến tranh, sự chia cắt, bao vây, cấm vận của thế kỷ trước, Việt Nam hiểu hơn ai hết và rất trân trọng sự quý giá của hòa bình, hợp tác, phát triển".
Để đạt được "hòa bình, hợp tác, phát triển" thì Việt Nam đã có nhiều nỗ lực củng cố lòng tin trên cơ sở chân thành trong việc xây dựng, duy trì, và phát triển các quan hệ ở cả cấp độ song phương lẫn đa phương.
Kể từ khi tiến hành công cuộc "Đổi mới" từ năm 1986 đến nay, Việt Nam được bạn bè quốc tế xem là hình mẫu của hợp tác, khắc phục và hòa giải sau chiến tranh, tiến tới hội nhập quốc tế thành công. Việt Nam cũng là thành viên có trách nhiệm, có nhiều đóng góp thiết thực vào sự phát triển và thịnh vượng chung của các bên, có nhiều cam kết cụ thể, như sẵn sàng là bên trung gian hòa giải cho các tranh chấp, cam kết chuyển đổi năng lượng và đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.
Các thành tựu của Việt Nam đều nhờ vào sự chân thành và đề cao lòng tin chiến lược trong quan hệ đối ngoại. Các phương châm như "gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng đến tương lai, biến thù thành bạn, chuyển đối đầu thành đối thoại, vừa hợp tác vừa đấu tranh, đưa đối thủ thành đối tác", như Thủ tướng nhấn mạnh, đã được kiên trì thực hiện và là điểm sáng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính rời Mỹ, thăm chính thức Brazil
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tại Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã rời sân bay quốc tế John F.Kennedy ở New York để lên đường thăm chính thức Brazil. Trưa 23-9 (giờ địa phương), sau chuyến bay gần 10 tiếng, chuyên cơ chở Thủ tướng đã đáp xuống Sao Paulo, Brazil. Thủ tướng đến thăm tập đoàn hàng không Embraer và gặp gỡ cộng đồng người Việt tại Sao Paulo trong ngày đầu tiên.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Brazil từ ngày 23 tới 26-9 theo lời mời của Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng sẽ hội đàm với Tổng thống Brazil và có một số hoạt động quan trọng khác.
Theo TTXVN, chuyến thăm chính thức Brazil của Thủ tướng Phạm Minh Chính nhằm củng cố sự tin cậy chính trị, làm sâu sắc quan hệ hợp tác nhiều mặt, đưa quan hệ song phương đi vào thực chất, hiệu quả hơn, nhất là trong các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục, du lịch...
Đoàn đại biểu đi cùng Thủ tướng trong chuyến thăm Brazil gồm có: Bộ trưởng Bộ Công An, đại tướng Tô Lâm; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hoàng Xuân Chiến; Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Thành; Đại sứ Việt Nam tại Brazil Phạm Thị Kim Hoa.
Hơn 34 năm qua, quan hệ Việt Nam - Brazil đã rất tốt đẹp, trở thành Đối tác toàn diện của nhau từ năm 2007. Thời gian qua, quan hệ hai nước tiếp tục phát triển hết sức tích cực. Brazil là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latin và đứng thứ hai tại khu vực châu Mỹ (sau Mỹ). Năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều đạt mức kỷ lục 6,78 tỉ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 2,24 tỉ USD và nhập khẩu 4,55 tỉ USD.
Brazil hiện có 6 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký là 3,83 triệu USD. Đáng chú ý, với vai trò của Brazil là Chủ tịch luân phiên của Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) trong năm 2023, hai bên đã tích cực thúc đẩy khởi động đàm phán hiệp định thương mại tự do Việt Nam - MERCOSUR.
Cùng với hợp tác trong lĩnh vực ngoại giao, hai nước cũng có các cơ chế hợp tác trong các lĩnh vực quốc phòng, nông nghiệp, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, văn hóa... Hai nước cũng chia sẻ quan điểm chung về nhiều vấn đề quốc tế, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương.
Theo TTXVN, tiến sĩ kinh tế học Ruvislei González Saez - nghiên cứu viên cao cấp thuộc Trung tâm Nghiên cứu chính sách quốc tế (Cuba) - nhận định chuyến thăm Brazil của Thủ tướng Phạm Minh Chính là cơ hội để đổi mới mối quan hệ chiến lược và thúc đẩy hợp tác song phương trên các lĩnh vực mới.
Tiến sĩ González Saez cũng chỉ ra Việt Nam hiện là nước đóng vai trò quan trọng ở Đông Nam Á, và tính năng động sẽ giúp Việt Nam có thể trở thành cửa ngõ cho các sản phẩm của Brazil vào ASEAN.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thị trưởng New York Eric Adams đã có cuộc gặp thân tình ngày 22-9. Thủ tướng cũng chứng kiến lễ ký bản ghi nhớ hữu nghị và hợp tác giữa TP.HCM với New York.