"Tôi tạo ra Starlink để mọi người thư giãn, xem Netflix với tốc độ cao chứ không phải một công cụ khơi mào chiến tranh hạt nhân" - Elon Musk chia sẻ trong cuốn tiểu sử mang tên Elon Musk vừa xuất bản tại Mỹ giữa tháng 9 vừa qua.
Từ hành động hào hiệp đến nguy cơ hạt nhân
Elon Musk (53 tuổi) là người giàu nhất thế giới hiện tại theo xếp hạng của Forbes, với tài sản ròng vượt mốc 256,5 tỉ USD.
Ông là một kĩ sư, nhà tài phiệt, nhà phát minh, doanh nhân công nghệ và nhà từ thiện người Mỹ gốc Nam Phi.
Đồng thời ông là người sáng lập, CEO và kỹ sư trưởng, nhà thiết kế của SpaceX, CEO và kiến trúc sư của Tesla; cũng là người đồng sáng lập của OpenAI - công ty đứng sau ChatGPT.
Theo cuốn sách, khi những xung đột đầu tiên tại Ukraine nổ ra, Elon Musk đã hào phóng triển khai miễn phí Starlink - một mạng lưới 3,335 vệ tinh cung cấp mạng Internet tốc độ cao - với mục đích ban đầu là giúp Ukraine không mất kết nối với thế giới bên ngoài trong chiến tranh.
Tuy nhiên, hệ thống này cũng được quân đội Ukraine tận dụng để phục vụ chiến tranh, được tờ The Economist ví như là "dịch vụ Uber cho những khẩu pháo".
Lo sợ vì hệ thống của mình có thể khơi mào cho những xung đột trong tương lai, vị tỷ phú đã từ chối yêu cầu của chính phủ Ukraine về mở rộng phạm vi kết nối ra toàn khu vực bán đảo Crimea.
Khi Phó Thủ tướng Ukraine liên lạc với vị chủ tịch và khẩn thiết rằng dịch vụ Starlink là "yếu tố sống còn" của quân đội Ukraine, Elon Musk chỉ trả lời là hãy tìm kiếm giải pháp hòa bình khi còn có thể. Hành động này của ông đã gây ra rất nhiều tranh cãi.
Elon Musk: Đứa trẻ tổn thương
Chỉ với sự kiện trên, chúng ta có thể thấy được lý do nhiều người lo sợ Elon Musk đang nắm trong tay quá nhiều quyền lực cả về công nghệ hay chính trị, quân sự.
Vậy điều gì đã tạo nên một người như Elon Musk?
Với mong muốn lý giải một trong những người đàn ông giàu có và quyền lực nhất thế giới hiện nay, nhà báo Walter Isaacson đã "theo dõi" vị tỷ phú suốt 2 năm.
Ông được phép tham dự các cuộc họp, xem qua email, tin nhắn, phỏng vấn những người thân thiết và xem cách Musk giao tiếp với tất cả mọi người.
Về tác giả, nhà báo nổi tiếng Walter Isaacson, ông từng tốt nghiệp đại học Harvard và đại học Pembroke - một trường thuộc hệ thống đại học Oxford.
Ông cũng từng làm biên tập viên tạp chí Times vào năm 1996 và CEO của đài CNN từ 2001 đến 2003.
Độc giả Việt đã quen thuộc với ông qua các tác phẩm Tiểu sử Leonardo da Vinci và Tiểu sử Steve Jobs.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ The Washington Posts, nhà báo đã chia sẻ rằng Elon Musk từng bị bắt nạt không ngừng khi còn là một đứa trẻ ở Nam Phi. Thậm chí, người bố Errol Musk còn về phe của những kẻ bắt nạt và gọi anh là "ngu ngốc" và "yếu đuối".
Musk cũng thừa nhận với Walter rằng ông mắc chứng Asperger khiến việc thấu hiểu người khác và giao tiếp xã hội trở nên khó khăn. Điều này cũng được những người thân cận vị tỉ phú như người tình cũ Grimes và thư ký xác nhận.
Những tổn thương thời thơ ấu đã khiến cho cậu bé ngày nào có khao khát được kiểm soát và vượt lên những kẻ từng bắt nạt mình.
"Kiếm soát đã trở thành bản năng của ông ta", nhà văn Walter Isaacson viết.
Hiện nay, Elon Musk đang vận hành 6 công ty, bao gồm cả X và luôn thúc đẩy nhân viên làm việc không ngừng để sớm ngày đưa nhân loại lên sao Hỏa như nguyện vọng của nhà tài phiệt, trước khi "nền văn minh nhân loại sụp đổ."
"Nếu tôi không đưa ra những quyết định này", Elon Musk nói, "thì nhân loại sẽ diệt vong".
Trong mắt tác giả cuốn sách, Elon Musk là một nhân vật có nội tâm phức tạp.
Ông viết: "Như Shakespeare đã từng dạy, tất cả anh hùng đều có khuyết điểm, một số bi kịch, một số bị khuất phục, nhưng những người được chúng ta chọn vào vai phản diện thì phức tạp hơn thế nhiều".
Hệ thống Starlink và công cuộc đưa con người lên sao Hỏa của vị "quái kiệt" có thể làm ta nhớ tới cuộc chạy đua vào không gian giữa Mỹ và Liên Xô hồi Chiến tranh lạnh, chỉ khác là dường như vị tỉ phú đang chạy đua với ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.
Rất nhiều góc khuất trong cuộc đời của nhà tài phiệt "khét tiếng" được hé lộ trong quyển tiểu sử, bao gồm cả tính ngạo mạn và lối cư xử gây tranh cãi của Elon Musk trên truyền thông.
Điển hình, tác giả mở đầu quyển sách bằng một phát biểu của Musk trên Saturday Night Live: "Gửi tới bất cứ ai thấy hành động của tôi phản cảm, tôi chỉ muốn nói rằng, tôi là người đã phục hưng xe điện, tôi cũng là người đang cố đưa nhân loại lên sao Hỏa, các vị nghĩ tôi có thể bình thường được hay sao?".
Nhà báo cũng chia sẻ với The Wall Street Journal: "Những nội dung trong sách của tôi không phải là để tố cáo hay minh oan cho ông ta.
Tôi thấy rằng những mặt trái này chính là những thứ làm nên cái tên Elon Musk đặc biệt, không thể phủ nhận đây là một phần làm ông ta thành công đến thế".
Trong quá khứ, "cha đẻ" của bom nguyên tử Robert Oppenheimer từng vật lộn với việc can dự vào chính trị, cắn rứt lương tâm do không chắc bom nguyên tử đại diện cho hòa bình hay chiến tranh. Elon Musk cũng có một ý nghĩ tương tự.