Sóc Trăng sẵn sàng đưa dừa tươi xuất ngoại
Những tháng vừa qua, các địa phương có diện tích chuyên canh lớn ở ĐBSCL như Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng đã khẩn trương chuẩn bị các bước để xuất khẩu dừa tươi.
Để có thể xuất khẩu dừa tươi sang Trung Quốc - thị trường tiềm năng có rất nhiều việc phải làm. Chẳng hạn tại Sóc Trăng những ngày qua, các bảng hướng dẫn được dựng lên nhiều hơn, giúp bà con nhận diện các sinh vật gây hại. Đây là việc đầu tiên để đưa trái dừa Sóc Trăng xuất ngoại.
Trái dừa tươi đang đứng trước cơ hội rộng đường xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh minh họa - Ảnh: VGP.
Nhận thấy tiềm năng từ cây dừa, bà con ở huyện Cù Lao Dung, Sóc Trăng mạnh dạn chuyển đổi canh tác trên nền đất mía. 4 ha với gần 1.000 gốc dừa dâu đã sẵn sàng cho việc liên kết cùng doanh nghiệp, phục vụ xuất khẩu. Tại các khu vườn, cỏ được dọn sạch bằng tay, không sử dụng phân thuốc hóa học, thay vào đó là các loại thiên địch như ong kí sinh, kiến vàng…
Tư duy sản xuất đã thay đổi, bà con nơi đây còn chủ động liên kết, hình thành nên các hợp tác xã. Từ đầu năm nay, Hợp tác xã nông nghiệp Vạn Thịnh Phát với 29 thành viên đã được thành lập, giúp tạo nên diện tích chuyên canh lớn, đồng nhất về qui trình canh tác. Đây cũng là cơ sở để liên kết, tiêu thụ với doanh nghiệp trong thời gian tới.
Đến nay, Sóc Trăng đã gửi hồ sơ để cấp 4 mã số vùng trồng trên cây dừa, với tổng diện tích hơn 180 ha. Địa phương cũng đang khẩn trương hoàn thiện thêm 6 - 7 mã số nữa trong thời gian tới. Đây là điều kiện để các doanh nghiệp có thể khai thác tối đa lợi thế từ vùng nguyên liệu dừa hơn 7.000 ha ở địa phương này.
Giảm diện tích dừa bị thiệt hại
Đứng trước các cơ hội xuất khẩu sang Trung Quốc, Hoa Kỳ và các thị trường khác như châu Âu, bà con nông dân đã chủ động thay đổi quy trình sản xuất. Điều phấn khởi là nhờ áp dụng các giải pháp sinh học, các loại sinh vật gây hại trên cây dừa đã kéo giảm, trong khi chất lượng trái vẫn đạt yêu cầu.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, diện tích trồng dừa cả nước khoảng 188.000 ha, tập trung chủ yếu ở ĐBSCL. Chỉ riêng 4 tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang và Vĩnh Long, tổng diện tích đã vượt 130.000 ha.
Thời gian qua, các đối tượng gây hại chủ yếu là bọ cánh cứng, bọ vòi voi và sâu đầu đen. Trong số này, diện tích nhiễm bọ cánh cứng còn hơn 12.500 ha, giảm gần 4.000 hha so với năm ngoái. Riêng sâu đầu đen hại dừa chỉ còn 950 ha.
Đa dạng hóa sản phẩm từ trái dừa
Những dòng sản phẩm mới từ dừa vẫn không ngừng được nghiên cứu và hoàn thiện.
Xuất khẩu dừa tươi là một lợi thế của ĐBSCL, nhưng để khai thác tối đa lợi thế từ cây dừa thì chế biến sâu vẫn là ưu tiên hàng đầu. Mặc dù khi so sánh với các nước khác cũng có chủ lực là cây dừa, Việt Nam có xuất phát điểm chậm hơn, nhưng cũng ghi nhận nhiều nỗ lực để đa dạng hoá và xây dựng thương hiệu.
Những người phụ nữ tại xã Vang Quới Đông, huyện Bình Đại, Bến Tre, có thêm nguồn thu nhập tương đối ổn từ vài năm nay nhờ tham gia vào dự án chế biến dừa. Mứt dừa giờ không chỉ là món ăn ngày Tết, mà giờ làm quanh năm, để đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu.
Ngôi nhà dừa tại thành phố Bến Tre là không gian kinh doanh, đồng thời là nơi nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Từ đây đã cho ra hơn 30 dòng sản phẩm mỹ phẩm và chăm sóc cơ thể, khai thác gần như tối đa giá trị của dừa.
Việc nhìn thấy điểm yếu hiện có và tìm được hướng đi mới để nâng cao giá trị đã phần nào giải được bài toán bấp bênh của ngành dừa Bến Tre trong thời gian qua. Ít nhất, việc tiêu thụ những sản phẩm này chắc chắn không gặp áp lực quá lớn về thời gian hay mùa vụ.
Những dòng sản phẩm mới vẫn không ngừng được nghiên cứu và hoàn thiện. Ai cũng hiểu, đây là con đường gian nan, nhưng sẽ là hướng đi bền vững và hiệu quả của cây dừa ĐBSCL.
VTV.vn - Giá dừa khô tại tỉnh Tiền Giang đã tăng gấp đôi so với vài tháng trước, khiến bà con nông dân trồng dừa rất phấn khởi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.5454921142903202-uahk-taux-gnoud-gnor-iout-aud/et-hnik/nv.vtv