Đây là bệnh nhân thứ hai trên thế giới được thực hiện phẫu thuật theo phương pháp này và kết quả đang rất tích cực. Hai ngày sau ca phẫu thuật cấy ghép tim, người đàn ông này đã có thể nói chuyện và ngồi dậy.
Theo các bác sĩ tại Đại học Y Maryland, cựu chiến binh hải quân 58 tuổi này gần như chắc chắn sẽ tử vong vì suy tim trong khi các vấn đề sức khỏe khác khiến ông không đủ điều kiện để được ghép tim theo cách thông thường.
Mặc dù các bác sĩ sẽ phải theo dõi sức khỏe hậu phẫu cho bệnh nhân này trong vài tuần tới nhưng họ rất vui mừng trước khả năng tương thích sớm của bệnh nhân và nội tạng lợn.
Tiến sĩ Muhammad Mohiuddin - Đại học Y Maryland, Mỹ: "Đó là một cảm giác tuyệt vời khi thấy trái tim lợn này hoạt động trong cơ thể con người và người đó có thể nói chuyện với bạn. Chúng tôi mong muốn ca phẫu thuật đạt được hiệu quả lâu dài".
Còn Tiến sĩ Bartley, người thực hiện ca cấy ghép, chia sẻ rằng không chỉ bản thân ông, mà các bác sĩ khác cũng đang cảm thấy một đặc ân lớn lao dù đi kèm với rất nhiều áp lực. "Tôi chỉ biết lắc đầu, vì chuyện này khó tin quá và cũng kỳ diệu quá".
Đối với bản thân bệnh nhân trong ca ghép tạng lần này, ông Faucette hiểu rằng đây là cơ hội tốt nhất đối với mình. "Trước đây, nhiều bệnh viện ở khu vực Bờ Đông đều từ chối ghép tạng cho tôi. Giờ đây tôi đã có thể thở bình thường và ở bên gia đình mình. Tôi sẵn sàng chấp nhận bất kì rủi ro nào, miễn là kéo dài được sự sống".
Năm ngoái, nhóm các bác sĩ của Đại học Y Maryland cũng đã thực hiện ca cấy ghép tim lợn biến đổi gen đầu tiên trên thế giới cho một người đàn ông khác, tuy nhiên ca phẫu thuật chỉ có hiệu quả trong 2 tháng. Các bác sĩ cho biết, ca cấy ghép này đã được rút kinh nghiệm từ lần cấy ghép tim lợn đầu tiên trên thế giới và họ hy vọng lần này phép màu sẽ thực sự xảy ra.
Xem thêm: nhc.920906222429032881-ioh-pah-gnad-iougn-uuc-nol-mit-pehg-ac-neih-cuht-ym-is-cab/nv.fefac