"Quan hệ hai nước chúng ta đang hết sức tốt đẹp nhưng quan hệ đầu tư, thương mại vẫn chưa tương xứng, dư địa vẫn còn rất nhiều" - Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ trong tọa đàm với doanh nghiệp Brazil sáng 24-9 (giờ địa phương, tối cùng ngày theo giờ Việt Nam).
Kết nối doanh nghiệp, mở cửa vào khu vực của nhau
Năm 2022, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt kỷ lục 6,78 tỉ USD, trong đó chủ yếu Việt Nam nhập khẩu từ Brazil.
Theo Thủ tướng, cả hai nước có những sản phẩm bổ trợ cho nhau và để tận dụng tốt hơn nữa tình cảm chính trị song phương tốt đẹp, cần phải tìm cách "giúp Brazil và Việt Nam" gần nhau hơn nữa bất kể khoảng cách địa lý.
Cũng tại cuộc tọa đàm ngày 24-9, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh ngay cả khi hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) vẫn chưa ký kết, giao thương giữa hai bên đã tăng mạnh trong các năm vừa qua.
Việc ký kết, theo ông Diên, sẽ mở cánh cửa cơ hội cho cả hai nước. Việt Nam sẽ là cánh cửa cho Brazil vào thị trường 600 triệu dân của Đông Nam Á, trong khi đó Brazil sẽ là cửa ngõ cho doanh nghiệp Việt Nam tiến sâu hơn vào Mỹ Latin.
Bắt đầu từ tháng 10 tới, Bộ Công Thương sẽ tăng cường đại diện thương mại tại Brazil để hướng tới cơ hội mới, chương mới cho giao thương song phương.
Chia sẻ sau đó, các doanh nghiệp Brazil bày tỏ mong muốn được xuất khẩu sang thị trường Việt Nam những sản phẩm chăn nuôi có thế mạnh như thịt gà các loại.
Các doanh nghiệp cũng đánh giá cao môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng được cải thiện tại Việt Nam.
Đại diện doanh nghiệp đề nghị Chính phủ hai nước khuyến khích và thúc đẩy dòng đầu tư và thương mại hai chiều. Trong đó có tăng cường trao đổi các đoàn doanh nghiệp đi khảo sát tìm hiểu thị trường cơ hội đầu tư và kết nối kinh doanh.
Brazil - nguồn nguyên vật liệu cho bán dẫn Việt Nam
Hiện nay các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Brazil sang Việt Nam là quặng và khoáng sản, bông các loại, thức ăn gia súc và nguyên liệu, nguyên phụ liệu cho ngành dệt may, da giày.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết với việc Việt Nam và Mỹ thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội đón làn sóng đầu tư mới.
Do vậy, Việt Nam rất mong các doanh nghiệp Brazil có thể tăng cường cung ứng nguyên vật liệu cho Việt Nam, nhất là các ngành công nghiệp mới như công nghệ bán dẫn.
Khẳng định Việt Nam hoàn toàn ủng hộ việc mở văn phòng Phòng Thương mại và Công nghiệp Brazil tại Việt Nam, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp Brazil và Việt Nam đẩy mạnh hơn nữa chuyển giao khoa học, công nghệ.
Thủ tướng mong muốn với không khí quan hệ chính trị tốt đẹp như hiện nay, các doanh nghiệp Brazil đến Việt Nam đầu tư, sản xuất, kinh doanh nhiều hơn trên tinh thần hai bên cùng thắng, "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".
Với trở ngại là khoảng cách địa lý xa, Thủ tướng cho rằng điều này có thể giải quyết được bằng nhiều cách như vận tải hàng không, hàng hải.
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định Việt Nam đang tích cực cùng Brazil đàm phán các hiệp định thương mại tự do, bảo hộ đầu tư, tránh đánh thuế hai lần... tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hợp tác, phát triển.
Do đó, ông đề nghị các doanh nghiệp hai bên cũng tích cực tham gia và triển khai cụ thể hóa các cơ chế hợp tác thành những chương trình, dự án cụ thể.
Thủ tướng đặt mục tiêu phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt 10 tỉ USD vào năm 2025, đạt 15-20 tỉ USD vào năm 2030 theo hướng cân bằng hơn.
Trưa 24-9 (giờ địa phương), Thủ tướng Phạm Minh Chính rời Sao Paulo, lên đường đến thủ đô Brasilia của Brazil.
Dự kiến tại Brasilia, người đứng đầu Việt Nam sẽ đến thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Brazil, gặp lãnh đạo Đảng Cộng sản Brazil và Hội Hữu nghị Việt Nam - Brazil trong ngày 24-9.
Lễ đón và hội đàm chính thức với Tổng thống Brazil Lula da Silva sẽ diễn ra trong ngày 25-9 (giờ địa phương).
Thăm Tập đoàn hàng không vũ trụ Embraer của Brazil, Thủ tướng Phạm Minh Chính được mời vào buồng lái một chiếc máy bay chở khách của hãng và ngồi vào ghế cơ trưởng.