Thông tin được bác sĩ CKII Nguyễn Trúc Quỳnh - khoa lâm sàng 1 Bệnh viện Da liễu TP.HCM - nêu trong báo cáo “Kinh nghiệm nhận diện hoang tưởng nghi bệnh dưới góc nhìn bác sĩ da liễu” tại Hội nghị khoa học da liễu miền Nam năm 2023 chiều 24-9.
Với hai trường hợp điển hình mắc chứng hoang tưởng nghi bệnh, sau khi lắng nghe chia sẻ cùng với thăm khám, các bác sĩ đều tư vấn, hướng dẫn đến Bệnh viện Tâm thần điều trị.
Trường hợp đầu tiên là bệnh nhân nam 42 tuổi (ngụ Bình Thuận). Qua khai thác bệnh sử, bệnh nhân được chẩn đoán nấm móng và đã điều trị nhiều đợt tại Bệnh viện Da liễu, với kết quả vi nấm soi tươi gần nhất âm tính.
Sau đó, bệnh nhân lại đến Bệnh viện Da liễu TP.HCM với tâm trạng lo lắng, cho rằng chính nấm móng đã len lỏi vào cơ thể nên gây đau dạ dày và “có lẽ mình bị ung thư dạ dày”, rồi nằng nặc đòi bác sĩ chuyển tuyến sang Bệnh viện Ung bướu để điều trị dạ dày.
Trước đó, bệnh nhân từng được nhập viện hai lần tại Bệnh viện tỉnh Bình Thuận với chẩn đoán trào ngược dạ dày, nội soi dạ dày cho thấy âm tính với HP, viêm xước hang vị nhẹ.
Sau khi lắng nghe lời kể của bệnh nhân và đánh giá vết thương da, bác sĩ cho rằng bệnh nhân có thể mắc hoang tưởng nghi bệnh và giải thích kỹ tình trạng bệnh. Sau đó họ đồng ý khám chuyên khoa tâm thần để tiếp tục điều trị.
Tương tự, một bệnh nhân nữ 56 tuổi được người nhà đưa đến khám, cầu cứu bác sĩ vì nghĩ mình đã mắc bệnh ung thư da.
Khoảng một tháng trước, bệnh nhân nổi đỏ ở mặt nên nghĩ mắc bệnh ung thư và đi thầy bùa phán giải, nhưng sang thương ngày càng lan rộng. Bà tiếp tục đi khám nhiều bệnh viện tư, làm nhiều xét nghiệm và đều có kết quả khẳng định nhiễm trùng da. Tuy nhiên, bà vẫn không tin tưởng, cuối cùng nhập Bệnh viện Da liễu TP.HCM.
Sau thăm khám và đánh giá dựa trên các kết quả sinh thiết, bệnh nhân được chẩn đoán loét do nhiễm trùng. Khi bác sĩ giải thích tình trạng bệnh, bệnh nhân vẫn chưa chấp nhận, cho rằng mình bị ung thư da nên yêu cầu bác sĩ dùng các phương pháp khác.
Nhận thấy cả hai bệnh nhân trên đều có thể mắc chứng hoang tưởng nghi bệnh, các bác sĩ đã tư vấn, hỗ trợ chăm sóc da cho bệnh nhân và tiếp tục hướng dẫn đến Bệnh viện Tâm thần điều trị.
Bác sĩ Quỳnh cho biết thêm hoang tưởng nghi bệnh là tình trạng người bệnh tin rằng mình đang bị một căn bệnh mặc dù các bằng chứng y khoa đều ngược lại. Tình trạng này hay gặp ở người cao tuổi, phản ánh lứa tuổi này quan tâm nhiều về sức khỏe.
Hoang tưởng nghi bệnh thường liên quan đến bệnh ung thư hoặc bệnh da liễu, hoặc hình dạng của các phần cơ thể, đặc biệt là mũi. Những bệnh nhân có các hoang tưởng thuộc loại sau cùng, đôi khi đòi được phẫu thuật tạo hình. Hoang tưởng nghi bệnh gặp trong các rối loạn trầm cảm và tâm thần phân liệt.
"Tỉ lệ mắc bệnh tâm thần ngày càng tăng ở các bệnh nhân khám da liễu, do đó các bác sĩ cần lưu tâm vấn đề này", bác sĩ Quỳnh kết luận.
Tiếp cận bệnh nhân qua trò chuyện, quan sát hành vi, vết thương trên da...
Theo bác sĩ CKII Nguyễn Trúc Quỳnh, các bác sĩ da liễu khi tiếp cận bệnh nhân có rối loạn da tâm thần nói chung và bệnh hoang tưởng nói riêng cần thông qua quá trình trò chuyện, hành vi của bệnh nhân, vết thương da...
Từ đó có thể phát hiện kịp thời những bệnh nhân có rối loạn tâm thần và chuyển đến các bệnh viện tâm thần để chẩn đoán chính xác bệnh, mức độ bệnh và có phương pháp điều trị kịp thời.
TTO - Mỗi năm có gần 3.000 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị ung thư da tại Bệnh viện Da liễu (TP.HCM), trong đó 90% là người từ 60 tuổi trở lên. Dù nằm ở vùng da dễ quan sát nhưng phần lớn bệnh nhân đến bệnh viện đều ở giai đoạn trễ.