Xót rừng trồng quá tuổi, chết khô
Chuyên đề Công an TPHCM nhận được thông tin trên của nhiều người dân, nhóm hộ tại Quảng Trị là những người được giao khoán thực hiện dự án (DA) trồng RPH đầu nguồn lưu vực sông Thạch Hãn, từ vốn vay Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC).
Khó khăn lắm chiếc xe bán tải cài 2 cầu mới chở nhóm hộ và PV theo con đường đất, đá hiểm trở ngược lên những cánh RPH ở thượng nguồn sông Thạch Hãn. Hai bên đường bạt ngàn rừng cây xanh tốt mà trước đây vốn là đất trống, đồi trọc (do chất độc hóa học của Mỹ rải xuống). Rừng được hồi sinh và phát triển mạnh nhờ "Chiến lược phát triển rừng Việt Nam" của Chính phủ và các DA trồng rừng, trong đó có dự án JBIC.
Tại khu vực RPH thuộc các xã: Hải Lâm, Hải Sơn (H.Hải Lăng), Hải Lệ (TX.Quảng Trị) và Triệu Thượng (H.Triệu Phong), giáp ranh với huyện miền núi Đakrông, cây của dự án JBIC gồm cây trồng chính (sao đen, sến, lim, gõ...) và cây trồng phụ trợ (keo tai tượng). Hai bên đường và đi sâu vào các khu rừng, lượng lớn cây keo chết khô, chết đứng, đổ ngã...; trong khi cây trồng chính sinh trưởng chậm, yếu ớt do lẩn khuất dưới tán keo với mật độ dày. Các hộ Nguyễn Minh Thoản, Hoàng Lệ, Lê Vui (ngụ xã Hải Lâm), Nguyễn Quý, Trương Thi (ở xã Hải Lệ) cho biết: "Chúng tôi nhận giao khoán để trồng cây, chăm sóc, BVR từ nhiều năm nay.
Rừng phát triển tốt, cây keo đã trồng từ 18 - 19 năm do quá tuổi nên chết khô, rỗng ruột, gãy đổ, bật gốc... nhưng không thể tỉa thưa, thanh lý, không được đưa ra khỏi rừng vì vướng nhiều quy định, thủ tục, phải tuân theo quy trình chặt chẽ”. Cũng theo các hộ này, nếu có thể khai thác, thanh lý gỗ keo sẽ được chi trả khoản tiền chăm sóc, BVR và giải phóng không gian để cây trồng chính phát triển tốt hơn.
Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT), tổng diện tích RPH dự án JBIC mà UBND tỉnh (chủ rừng) giao Ban quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) lưu vực sông Thạch Hãn quản lý là 2.187ha; đã giao khoán theo QĐ của UBND tỉnh là 1.489,6ha cho các hộ, nhóm hộ; diện tích đã tỉa thưa nuôi dưỡng rừng là 757,9ha để thực hiện việc chi trả hưởng lợi. Ông Thái Văn Sơn - Giám đốc BQLRPH lưu vực sông Thạch Hãn - cho biết: "Ban đang phối hợp với UBND các xã Hải Lâm, Hải Sơn, Triệu Thượng, Hải Lệ rà soát diện tích rừng mà các hộ, nhóm hộ trồng, chăm sóc, BVR dự án JBIC và nhu cầu nhận khoán BVR mới; đồng thời tiếp tục thực hiện hợp đồng với các hộ để chăm sóc, BVR với hơn 1.231,9ha/2.870ha rừng trồng.
Thực trạng khó khăn, vướng mắc tại dự án JBIC là những năm qua chịu ảnh hưởng của thời tiết xấu (lốc xoáy, gió mạnh, mưa bão) làm ảnh hưởng đến tỉ lệ cây gãy đổ, chết khô, chết đứng nhiều. Bên cạnh đó có một số diện tích các hộ nhận khoán BVR không đủ điều kiện tỉa thưa nuôi dưỡng đã ảnh hưởng đến việc chi trả hưởng lợi BVR, gây khó khăn cho các hộ nhận BVR.
Ban quản lý RPH lưu vực sông Thạch Hãn và UBND các xã đề xuất các cấp, ngành cho phép tận thu những diện tích có cây gãy đổ, chết khô, chết đứng để có tiền chi trả cho các hộ, tạo nguồn thu cho đơn vị và điều kiện thuận lợi cho BQLRPH, UBND các xã trong công tác quản lý BVR, phòng cháy chữa cháy; với diện tích không đủ điều kiện tỉa thưa nuôi dưỡng thì đề xuất kinh phí trồng cây nâng cấp, bổ sung cây bản địa nhằm nâng cao năng suất, chất lượng RPH.
Tỉa thưa, khai thác cây phụ trợ là hợp lý
Ông Nguyễn Minh Hoàng - Chủ tịch UBND xã Hải Lâm - cho biết: "Xã ghi nhận các ý kiến, đề xuất của người dân về việc xin tỉa thưa, thanh lý cây trồng và đã có báo cáo sơ bộ lên cấp trên, ngành chức năng". Ông Nguyễn Đạo Ái - Chủ tịch UBND xã Hải Lệ - cũng bày tỏ, nhu cầu xin tỉa thưa, thanh lý cây của các hộ nhận khoán trong dự án JIC là xứng đáng, hợp lý và xã đang rà soát lại diện tích thực tế để xin ý kiến cấp trên, ngành chức năng.
Theo Quyết định 24/2016/QĐ-UBND ngày 28/6/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh về giao khoán quản lý, BVR, khai thác tỉa thưa rừng trồng phòng hộ và hưởng lợi thuộc dự án JBIC thì tỉa thưa rừng là biện pháp kỹ thuật lâm sinh nhằm điều chỉnh mật độ cây trồng, tạo không gian dinh dưỡng cho cây bản địa sinh trưởng, phát triển, đáp ứng mục tiêu phòng hộ lâu dài, duy trì, phát triển hệ sinh thái bền vững. Việc khai thác tỉa thưa xong sẽ bảo tồn và phát triển, tái tạo rừng; sử dụng phần lợi ích kinh tế thu được để xây dựng Quỹ bảo vệ và phát triển rừng.
Ông Hồ Xuân Hòe - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị - cho biết, đối với các cây trồng RPH (trong đó có dự án JBIC) thì dùng biện pháp kỹ thuật lâm sinh (khoanh nuôi tái sinh rừng, nuôi dưỡng rừng, làm giàu rừng, trồng mới rừng, trồng lại rừng...) và đang thực hiện tại 3 BQLRPH: Thạch Hãn, Hướng Hóa - Đakrông, Bến Hải. Riêng các địa phương (UBND các xã) chưa thấy đề xuất, lập hồ sơ khai thác tỉa thưa chuyển lên. Từ đó, sở mới có cơ sở xem xét, thẩm định và báo cáo UBND tỉnh. Lãnh đạo UBND tỉnh thông tin sẽ chỉ đạo Sở NN&PTNT kiểm tra, rà soát các hồ sơ thiết kế đủ điều kiện tỉa thưa, thanh lý cây trồng...
Thực tế so với các địa phương khác trong vùng dự án JBIC như Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên thì việc khai thác tỉa thưa, thanh lý cây trồng ở Quảng Trị còn khiêm tốn về số lần, diện tích, số cây trồng, sản lượng gỗ. Các văn bản pháp luật đã quy định cùng với thực trạng trên và từ mong muốn cấp thiết của người dân (nhận giao khoán) và bên giao khoán thực hiện dự án JBIC cần sớm được thực hiện.