Đầu tháng 9, Trung Quốc - nước sản xuất và tiêu thụ ure hàng đầu thế giới - yêu cầu một số công ty sản xuất phân bón dừng xuất khẩu mặt hàng này sau khi giá trong nước tăng vọt. Theo Bloomberg, một số nhà sản xuất phân bón lớn của nước này đã ngừng ký các hợp đồng xuất khẩu mới từ đầu tháng 9 theo yêu cầu của Chính phủ. Động thái của Trung Quốc khiến giá phân trên thế giới và tại thị trường Việt Nam biến động mạnh.
Giữa tháng 9, Đạm Cà Mau thông báo tăng giá ure tại nhà máy lên mức 11.200 đồng một kg và các kho trung chuyển ở miền Tây, miền Trung tăng lên mức 11.300-11.350 đồng một kg. Mức giá này tăng hơn 10% so với một tháng trước đó.
Tương tự, nhà máy Đạm Phú Mỹ tăng giá ure tại nhà máy thêm 500 đồng một kg lên 11.000 đồng. Nhà máy Đạm Ninh Bình, Hà Bắc cũng thông báo điều chỉnh so với trước đó.
Ghi nhận tại các đại lý, giá bán sỉ và lẻ của phân bón cũng đã được điều chỉnh mạnh. Như tại Công ty phân bón Việt Âu, quận 12 (TP HCM), giá phân cho khu vực miền Tây được điều chỉnh tăng 1.600-2.400 đồng một kg so với tháng 7, tức tăng 24%. Theo đó, ure Cà Mau lên quanh 12.300-12.500 đồng, ure Phú Mỹ là 11.500-12.100 đồng. Đại diện Công ty phân bón Việt Âu cho biết không chỉ ure, các loại phân khác cũng tăng thêm 300-800 đồng một kg so với tháng trước.
Với giá bán lẻ, cập nhập tại Công ty phân bón Bình Điền cho thấy Ure Phú Mỹ tại TP HCM, An Giang là 14.700 đồng, còn Ure Cà Mau 16.300 đồng, tăng lần lượt 300 và 1.800 đồng so với cuối tháng 8.
Nguyên nhân tăng giá phân bón, theo TS Phùng Hà, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, do ảnh hưởng của giá thế giới. Khi Trung Quốc hạn chế xuất khẩu mặt hàng này đã đẩy giá toàn cầu tăng cao.
Ngoài ra, ông Hà cho rằng vụ Đông Xuân đang bắt đầu nên nhu cầu dùng phân bón đầu vụ tăng cũng là yếu tố khiến giá hàng hóa này đi lên.
Đồng quan điểm, đại diện Công ty phân bón Âu Việt cho biết năm nay, các địa phương vào vụ mới sớm. Dự báo diện tích lúa và một số loại nông sản vụ này sẽ tăng hơn so với năm ngoái nên nhu cầu sử dụng phân bón nhiều, đẩy giá tăng.
Dự báo giá phân bón sẽ còn đi lên trong quý này, nhưng theo các chuyên gia, giá hàng hóa này khó tăng "phi mã" khi nguồn cung trong nước và trên thế giới không quá căng thẳng.
Hiện, chỉ phân bón SA và Kali là phải nhập do trong nước không có nguồn nguyên liệu để sản xuất. Với các sản phẩm phân bón DAP và MAP, sản lượng sản xuất trong nước mới đáp ứng được khoảng 86% nhu cầu, phần còn lại phải nhập khẩu. Đây cũng là những mặt hàng Trung Quốc không hạn chế xuất.
Riêng với ure - mặt hàng Trung Quốc hạn chế xuất khẩu - công suất sản xuất của các nhà máy Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau, Hà Bắc và Ninh Bình lên tới 2,86 triệu tấn một năm trong khi nhu cầu tiêu thụ trong nước chỉ ở ngưỡng 1,6-1,8 triệu tấn. Tượng tự với phân lân và NPK, trong nước nguồn cung cũng dư thừa. Do đó, Việt Nam hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu ure trong nước và xuất khẩu ra thị trường thế giới với giá hấp dẫn.
Dẫu vậy, các chuyên gia cảnh báo diễn biến của thị trường ure thế giới khó đoán nên doanh nghiệp cần cân nhắc trong hoạt động xuất khẩu để đảm bảo nguồn cung trong nước, tránh tình trạng khan hiếm và giá bị đẩy lên quá cao.
Số liệu từ Hải quan cho thấy 8 tháng, Việt Nam nhập khẩu phân bón đạt gần 2,5 triệu tấn, tương đương 833 triệu USD, tăng 13% về lượng nhưng giảm 19% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc vẫn là nguồn cung phân bón lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 50% tổng lượng phân bón nhập khẩu.
Thi Hà