Paris chi hàng chục triệu USD làm mát thành phố
Một lần được đến Paris là giấc mơ của nhiều du khách. Tuy nhiên những năm gần đây, đặc biệt là vào mùa hè, nhiệt độ tại thành phố du lịch này tăng vọt, khiến cả thành phố được miêu tả như một lò xông hơi khổng lồ. Những con đường bê tông, những tòa nhà dày đặc đang khiến hiệu ứng nhà kính trở nên rõ rệt hơn.
Chính quyền thành phố đã quyết định đổ hàng chục triệu Euro để làm mát cho Paris, qua đó tiến tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.
"Paris là một thành phố với mật độ xây dựng dày đặc. Bê tông cốt thép sẽ hấp thụ nhiệt vào ban ngày và giải phóng nhiệt vào buổi tối khiến không khí trở nên nóng nực. Chúng tôi sẽ thay đường bê tông bằng những thảm cỏ, cũng như cách nhiệt cho các tòa nhà công cộng", ông Dan Lert, Phó Thị trưởng phụ trách chuyển đổi sinh thái của Paris, Pháp, cho biết.
Nhờ những nỗ lực này, tại Paris, đã xuất hiện nhiều hơn những mảng xanh của cây cỏ, hoặc như giao lộ đang được biến thành một hệ sinh thái thực vật giữa thành phố. Dòng sông Sein chảy trong thành phố cũng được tận dụng, kết nối với một hệ thống đường ống dẫn nước liên kết với 700 tòa nhà để làm mát cho các tòa nhà đó.
Khách du lịch tham quan tháp Eiffel ở Paris, Pháp. (Ảnh: Bloomberg)
"Những đường ống này sẽ dẫn nước lạnh như băng đá đến các tòa nhà. Nhiệt độ sau khi làm mát nước sẽ được giải phóng vào sông Sein. Hệ thống làm mát bằng nước này tiêu thụ điện chỉ bằng một nửa so với điều hòa thông thường", bà Raphaelle Nayral, Tổng Thư ký của Fraicheur de Paris, thông tin.
Hệ thống đường ống có tổng chiều dài 90 km và có thể sẽ được mở rộng gấp 3 lần trong 20 năm tới.
Tại các địa điểm du lịch, những nơi công cộng, nhiều mái che đã được lập nên để mọi người có thể trú nắng và tránh nóng. Nhiều chuyên gia dự báo, sẽ có một ngày Paris phải đối mặt với mức nhiệt lên tới 50oC.
Mùa hè châu Âu quá nóng đã khiến bản đồ du lịch có nhiều sự thay đổi. Những tháng trước, nhiều chuyến tàu hỏa tại Anh đã phải hoãn hủy vì đường ray bị hỏng do thời tiết nóng cực độ. Sau đó là hàng loạt các vụ cháy rừng lây lan tại Pháp, Italy, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Hy Lạp.
Nhiều người thay vì chọn đi thăm các thành phố đông đúc đã bắt đầu đặt vé tới các địa điểm mát mẻ và gần sông nước hơn, như Stockholm (Thụy Điển) hay Amsterdam (Hà Lan), hoặc Copenhagen (Đan Mạch).
Theo số liệu từ viện nghiên cứu của EU, như vậy phía Bắc Âu mát mẻ có thể sẽ tăng thêm 5% lượng du khách, còn phía Nam Âu nóng nực hơn có thể mất tới 10% lượng du khách.
Xem thêm: nhc.60047002529032881-ohp-hnaht-tam-mal-dsu-ueirt-cuhc-gnah-ihc-sirap/nv.fefac