Theo báo cáo điều tra dịch tễ, bệnh nhân khởi bệnh ngày 17.9 và có các triệu chứng sốt, ớn lạnh, vã mồ hôi, ngứa, nổi mụn mủ ở cơ quan sinh dục. Bệnh nhân đi khám, điều trị tại phòng khám tư nhưng bệnh không giảm. Ngày 22.9, bệnh nhân đến Bệnh viện Da Liễu TP.HCM khám. Tại đây, các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân nhiễm đậu mùa khỉ nên đã lấy mẫu gửi Viện Pasteur TP.HCM. Ngày 23.9, anh T. có kết quả dương tính với vi rút đậu mùa khỉ.
Theo CDC Đồng Nai, đây là ca đậu mùa khỉ đầu tiên có địa chỉ thường trú tại tỉnh Đồng Nai, trước mắt chưa xác định được nguồn lây nhiễm. Bệnh nhân có ngày khởi phát đầu tiên là 17.9, lúc đó đang ở TP.HCM. Trước đó vào ngày 2.9, bệnh nhân có về nhà, tiếp xúc với 4 người thân trong gia đình nhưng trong giai đoạn ủ bệnh, không trong thời kỳ lây nhiễm của bệnh đậu mùa khỉ nên nguy cơ lây nhiễm rất thấp.
Ngoài ra, theo CDC Đồng Nai, ngày 16.9 bệnh nhân có tiếp xúc với bạn gái (22 tuổi, ngụ Bình Dương). Hiện người này cũng đang có triệu chứng phát ban dạng mụn mủ xung quanh cơ quan sinh dục. CDC Đồng Nai đã chuyển thông tin trường hợp này cho CDC Bình Dương xác minh, điều tra, xử lý.
Theo lãnh đạo Sở Y tế Bình Dương, bệnh nhân N.K.L (22 tuổi, tạm trú xã Tân Bình, H.Bắc Tân Uyên) là bạn gái anh T. Ngay sau khi bệnh nhân L. có kết quả dương tính, Sở Y tế Bình Dương đã tiến hành khoanh vùng, khử khuẩn khu vực nhà trọ ở xã Tân Bình, nơi bệnh nhân N.K.L sinh sống.
Theo TS-BS Trần Minh Hòa, Giám đốc CDC Đồng Nai, bệnh đậu mùa khỉ lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với tổn thương da, dịch cơ thể, qua quan hệ tình dục, giọt bắn đường hô hấp, vật dụng của người bị nhiễm và lây truyền từ mẹ sang con. Tuy nhiên, tốc độ lây lan không nhanh như Covid-19 hay tay chân miệng.