NẾU CHỈ ĐỔI TÊN SẼ LÀ "BÌNH MỚI RƯỢU CŨ"
Theo báo cáo của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về kết quả giám sát việc chấp hành pháp luật trong giải quyết các vụ án hành chính giai đoạn 2019 - 2021, hạn chế lớn nhất và kéo dài trong nhiều năm qua chính là tình trạng chủ tịch UBND hoặc người đại diện của UBND không tham gia đối thoại, không tham gia phiên tòa; cá biệt có địa phương, chủ tịch UBND hoặc người đại diện vắng tất cả các phiên đối thoại hoặc phiên tòa.
Trong báo cáo tổng kết thực tiễn thi hành luật Tổ chức TAND năm 2014, TAND tối cao cũng chỉ rõ một số địa phương coi tòa án như là một đơn vị chức năng thuộc đơn vị hành chính cùng cấp, thậm chí thường xuyên gửi văn bản yêu cầu tòa án báo cáo, phối hợp thực hiện một số nhiệm vụ của UBND.
Từ thực tiễn trên, GS-TS Lê Hồng Hạnh, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp), cho rằng địa vị pháp lý của tòa án chưa được nhận thức đúng tầm. Các tòa án, nhất là trong các vụ án hành chính, ít nhiều chịu sự tác động từ cơ quan quản lý hành chính ở địa phương. "Anh là thẩm phán, sống, làm việc và chịu sự quản lý tại địa phương đó, dù muốn độc lập cũng rất nhiều thử thách", ông Hạnh chia sẻ và cho rằng phải có cơ chế ngăn chặn tình trạng này.
Ông Hạnh ủng hộ về mặt tinh thần đối với đề xuất của TAND tối cao về việc đổi mới mô hình hoạt động của TAND cấp tỉnh và huyện, nhưng cho rằng nếu dừng lại ở đổi tên gọi thì không nhiều ý nghĩa, chỉ là "bình mới rượu cũ".
"Tôi chưa thấy lý do thuyết phục về việc đổi tên tòa sẽ thúc đẩy độc lập xét xử. Chưa có luận cứ cho thấy việc đổi tên này sẽ tác động đến tính độc lập của tòa án, có ngăn chặn được các yếu tố cản trở tính độc lập của tòa án như cơ chế bổ nhiệm, lương bổng trở thành những vòng kim cô hạn chế sự độc lập của thẩm phán hay không", ông Hạnh nêu quan điểm. Chuyên gia này cũng cho rằng muốn cải cách thì phải đồng bộ, việc đổi tên gọi cơ học sẽ không triệt tiêu được các yếu tố đã và đang tác động đến độc lập xét xử.
Tương tự, Th.S Võ Văn Tài, Phó trưởng khoa Kiểm sát hình sự (Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP.HCM), nhận định pháp luật về tố tụng đã ổn định nhiều năm, không nên có sự thay đổi chỉ vì yếu tố tên gọi. Độc lập xét xử cốt lõi là ở yếu tố con người, nếu đảm bảo cho thẩm phán độc lập trong quá trình xét xử thì tất nhiên các yếu tố khác sẽ đạt được.
"Các luật về tố tụng hiện hành đều quy định rõ nguyên tắc độc lập xét xử của thẩm phán, quan trọng là thực tiễn đã áp dụng triệt để những nguyên tắc này chưa, nếu đổi tên mà thẩm phán vẫn chịu tác động, chịu chi phối thì không thể độc lập, còn rất xa", Th.S Tài nói.
CÓ THỂ GÂY PHIỀN HÀ, TỐN KÉM
Hiện nay, cả nước có hơn 700 TAND cấp huyện. Báo cáo tổng kết của TAND tối cao cho thấy, số lượng các vụ việc phải giải quyết của mỗi tòa án là khác nhau do phụ thuộc vào đặc điểm dân số, địa lý, tình hình, mức độ phát triển kinh tế - xã hội, số lượng tội phạm, khiếu kiện hành chính, tranh chấp dân sự, kinh doanh thương mại... Các TAND cấp huyện thuộc các tỉnh, thành phố lớn luôn phải giải quyết, xét xử số lượng lớn các vụ việc và còn tiếp tục tăng lên (có tòa hằng năm phải giải quyết, xét xử trên dưới 3.000 vụ việc các loại); trong khi TAND cấp huyện ở khu vực miền núi, hải đảo lại có số lượng vụ việc thấp (có tòa hằng năm chỉ giải quyết, xét xử trên dưới 10 vụ việc các loại).
Tên gọi cần gắn với mô hình tổ chức, nếu như tòa án vẫn gắn với đơn vị hành chính thì việc đổi tên gọi như dự thảo không làm thay đổi gì nhiều mà còn gây phiền hà, tốn kém.
Thực tế trên dẫn tới các tòa án phải giải quyết khối lượng công việc lớn, gặp khó khăn trong việc kiện toàn, nâng cao năng lực, chất lượng công tác, tính chuyên nghiệp; ngược lại, những tòa án có khối lượng công việc giải quyết không đáng kể nhưng vẫn phải bố trí cán bộ cho đủ cơ cấu tổ chức bộ máy theo quy định. Việc này tạo ra tình trạng thừa, thiếu cục bộ thẩm phán, công chức tại một số tòa án. Đây cũng là một trong những lý do được TAND tối cao viện dẫn để đề xuất đổi mới TAND cấp huyện, gồm việc đổi tên.
Thế nhưng, nếu chỉ đổi tên từ TAND huyện sang TAND sơ thẩm như đề xuất của TAND tối cao, số lượng TAND cấp huyện không thay đổi, tổ chức bộ máy vẫn giữ nguyên; đồng nghĩa mệnh đề đặt ra chưa thể giải quyết, câu chuyện mất cân đối về khối lượng công việc và số lượng cán bộ cần bố trí giữa các TAND cấp huyện vẫn tồn tại.
Một vấn đề lớn khác cũng cần được xem xét, đó là hệ quả kéo theo từ việc thay đổi tên gọi các tòa án. Hàng loạt đạo luật có liên quan sẽ phải điều chỉnh để tương thích với tên gọi mới của TAND cấp tỉnh và TAND cấp huyện, gồm bộ luật Tố tụng hình sự, bộ luật Tố tụng dân sự, luật Tố tụng hành chính, luật Tổ chức chính quyền địa phương, luật Phá sản, luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án…
Lường trước sự phát sinh này, TAND tối cao cho hay ngay trong luật Tổ chức TAND sửa đổi sẽ có điều khoản thi hành để quy định về thay đổi tên gọi của TAND cấp tỉnh và TAND cấp tỉnh trong các văn bản luật liên quan. Dù vậy, như đã phân tích, nếu chỉ đơn thuần là thay đổi tên gọi mà chức năng, nhiệm vụ chưa có gì mới, việc phải sửa đổi quy định tại rất nhiều đạo luật có thực sự cần thiết?
Cho ý kiến với dự thảo luật Tổ chức TAND sửa đổi, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đánh giá các lập luận của ban soạn thảo về sự cần thiết cũng như lợi ích mang lại từ việc đổi tên tòa án chưa thực sự thuyết phục. "Tên gọi cần gắn với mô hình tổ chức, nếu như tòa án vẫn gắn với đơn vị hành chính thì việc đổi tên gọi như dự thảo không làm thay đổi gì nhiều mà còn gây phiền hà, tốn kém", bà Nguyễn Thúy Anh lưu ý.
Hôm 18.9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo luật Tổ chức TAND sửa đổi. Trong đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu thêm về đề xuất thay đổi tên gọi TAND cấp tỉnh và huyện; bởi "đây chỉ là vấn đề kỹ thuật, đổi tên nhưng lại không thay đổi chức năng nhiệm vụ gì cả, vẫn dùng tên tỉnh và thành phố, địa phương vào đó, chỉ thêm chữ sơ thẩm và phúc thẩm".
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh cần đánh giá giữa chi phí bỏ ra và lợi ích thu về, lợi thì được thêm điều gì, không lợi gồm những gì. Ví dụ như khắc lại con dấu, thay đổi tên trụ sở… đều là những việc phát sinh chi phí, nhưng vẫn có thể thực hiện được nhanh; điều quan trọng là sẽ phải sửa nhiều đạo luật để có sự tương thích.
"Nó chỉ là tên còn nội hàm, nội dung không thay đổi. Các đồng chí tính thêm chỗ này, lập luận cho thuyết phục; Quốc hội xem xét, quyết định nên hay không nên", Chủ tịch Quốc hội nói.