Bởi lẽ cả TP.HCM đang trên con tàu nghị quyết 98, nếu không có khu đất 181 thì phải là khu đất nào làm cơ sở thanh toán cho nhà đầu tư, qua đó đưa dự án chuyển động trở lại. Bởi vì dự án đã "đắp chiếu" 10 năm rồi mà!
Một nhà thi đấu quen thuộc với bao người được dỡ bỏ, những tưởng sẽ được thay thế bằng nhà thi đấu hiện đại, đẹp và an toàn hơn, vậy mà... Thôi thì "đắp chiếu" do vướng cơ chế nên đành chấp nhận. Nhưng nay đã có hướng ra, cả TP hừng hực với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, với cơ chế đặc thù 98 đủ mạnh để dỡ, xóa bỏ các vướng mắc vốn đã kéo cả đoàn tàu rơi vào cảnh ì ạch nhiều năm qua.
Với tinh thần ấy, tháng 8-2023 UBND TP đã chỉ đạo khẩn trương giải quyết vướng mắc dự án xây dựng nhà thi đấu và lập tổ công tác gồm sáu sở để đề xuất hướng giải quyết cho TP trước 30-8. Vậy mà...
Nếu đúng tinh thần tấn công, dám làm, cùng với đề xuất tạm dừng khu đất 181 thì phải kèm theo một đề xuất thay thế hoặc cùng các đơn vị liên quan bàn ngay một phương án khác, chẳng hạn một khu đất khác đủ để thanh toán cho nhà đầu tư.
Các cơ quan liên quan phải hiểu rằng cứ nằm "đắp chiếu" thì tiền chi cho dự án sẽ thay đổi theo hướng tăng thêm chứ nào có giảm đi. Càng "đắp chiếu" lâu, càng phát sinh vốn đầu tư. Đã có biết bao dự án "đắp chiếu" mà sau đó ngân sách TP lại phải thắt ruột chi thêm mới hoàn thành. Bài học đó với học phí quá đắt đỏ không thể kiên trì... học lại!
Thiệt hại vật chất là rất lớn, nhưng mất mát không gì bù đắp là sự khó hiểu từ người dân. Thử tưởng tượng, một cậu bé ngày nào vào cấp II đi học qua khu vực này vào lúc tháo dỡ công trình, nay cậu bé đã trưởng thành, còn nhà thi đấu vẫn là bãi đất... Chắc hẳn cậu bé sẽ hỏi: Xây gì mà lâu thế!? Nhưng câu hỏi ấy có lẽ sẽ lại được lớp đàn em của cậu bé ấy nêu ra, nếu chúng ta cứ làm việc như kiểu đã làm thời gian qua.
Thật vậy, không còn dùng khu đất 181 để thanh toán, khi đó theo thủ tục, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ báo cáo, đề xuất lên cho UBND TP để xem xét, thống nhất. Nếu UBND TP đồng ý, sẽ bắt đầu lại chuỗi thủ tục "nhiêu khê": lựa chọn, xin ý kiến, trình xét duyệt... một khu đất khác để đưa vào quỹ thanh toán hợp đồng BT. Để qua thủ tục này lại cần thêm thời gian, khu đất vẫn im ắng, người dân vẫn gọi là "đắp chiếu".
Tất nhiên các cơ quan liên quan sẽ có nhiều lý do để giải thích cho việc làm của mình là có nhiều cái khó, nhiều ràng buộc, nhiều phát sinh... Nhưng nếu dự án nào cũng như thế, thật khó lòng có chuyển biến mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng như mong muốn của lãnh đạo và người dân TP đã được tạo ra khi có nghị quyết 98 về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Cần nhớ lại, chúng ta có rất nhiều dự án phải tháo gỡ dạng như nhà thi đấu Phan Đình Phùng.
Và nghị quyết 98 là thí điểm đến năm 2028 phải tổng kết. Nếu sau 5 năm này, chúng ta không vận hành tốt để biến thí điểm thành cơ chế hình mẫu, cơ hội sẽ trôi qua. Đó là sự lãng phí khủng khiếp còn hơn cả dự án "đắp chiếu".
UBND TP.HCM giao các sở ngành khẩn trương đánh giá toàn diện dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng, báo cáo tổ công tác trước ngày 15-8 để đề xuất TP trước ngày 30-8.