Thông tin này được ông Phạm Văn Sơn, Vụ trưởng Vụ tổng hợp (Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp) chia sẻ tại tọa đàm "Quản lý vốn nhà nước - nhìn lại và hướng tới", ngày 26/9.
Ông Sơn cho biết vốn chủ sở hữu và tài sản hợp nhất của 19 tập đoàn, tổng công ty tăng đáng kể so với 2018 - thời điểm các doanh nghiệp này được chuyển về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, quản lý. Theo đó, tổng vốn chủ sở hữu của các "ông lớn" tới cuối năm ngoái là hơn 1,15 triệu tỷ đồng, tăng gần 10% sau 5 năm. Tổng tài sản các doanh nghiệp này nắm giữ đạt gần 2,5 triệu tỷ đồng, bằng 65% tổng tài sản của các doanh nghiệp nhà nước trên cả nước.
So với GDP 2022, doanh thu từ các tập đoàn, tổng công ty này tương đương 20% (tức gần 82 tỷ USD). Trong đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - khoáng sản (TKV) là những đơn vị ghi nhận doanh thu kỷ lục từ khi thành lập.
Các tập đoàn lớn cũng giữ vai trò chi phối trong nhiều lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế. Chẳng hạn, các nhà máy điện của EVN, PVN và TKV cung cấp khoảng 87% sản lượng điện cho xã hội. Trong lĩnh vực xăng dầu, các doanh nghiệp nhà nước và đơn vị do doanh nghiệp nhà nước sở hữu đóng góp hơn 84% thị phần bán lẻ.
Tuy vậy, Vụ trưởng Vụ tổng hợp Ủy ban Quản lý vốn cho rằng các doanh nghiệp nhà nước lớn vẫn chưa phát huy hết nguồn lực, chưa phân bổ vốn vào các ngành, lĩnh vực có tính tạo động lực. Họ cũng chưa có các sản phẩm, dịch vụ trong lĩnh vực công nghệ lõi, công nghệ cao có khả năng dẫn dắt chuyển đổi cơ cấu kinh tế.
Đồng quan điểm, Thứ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Đỗ Thành Trung nói doanh nghiệp nhà nước chưa phát triển tương xứng với nguồn lực nắm giữ; chưa có sản phẩm, dịch vụ chủ lực, giá trị gia tăng cao đủ khả năng cạnh tranh, vươn ra thị trường quốc tế.
Ông cho rằng cần phân cấp, phân quyền mạnh hơn để từng đồng vốn Nhà nước đầu tư đem lại hiệu quả khi rót vào các doanh nghiệp. "Ủy ban Quản lý vốn cần thể hiện vai trò nhạc trưởng trong điều phối, huy động nguồn lực của 19 doanh nghiệp đang nắm giữ 1,1 triệu tỷ đồng tài sản", Thứ trưởng Trung nêu.
Để làm được điều này, TS. Võ Trí Thành, nguyên Viện phó Viện Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cần thay đổi mô hình hoạt động để phù hợp với xu hướng thay đổi mới.
"Cơ quan này cần cải tổ, phát triển theo nguyên tắc là nhà đầu tư và mô hình tương tự các công ty quản lý quỹ", ông Thành gợi ý. Theo ông, việc này sẽ khắc phục tồn tại hiện nay trong cơ chế điều hành, quản lý của Ủy ban, và bắt nhịp xu thế mới.
Cùng đó, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đẩy nhanh thí điểm mô hình sandbox (khung thể chế thí điểm, cho phép một số doanh nghiệp thử nghiệm công nghệ mới), trong đó chọn ra một số tập đoàn, cho phép họ cơ chế tự chủ đầu tư, tự quyết lương thưởng... để đem lại lợi nhuận cao hơn cho mỗi đồng vốn bỏ ra.
"Chúng ta cần học hỏi cách giám sát, đặt mục tiêu chiến lược của các công ty quản lý quỹ trên thế giới, để đảm bảo linh hoạt trong quản lý vốn Nhà nước", ông Thành nói.
Ông Đỗ Thành Trung thêm rằng, doanh nghiệp nhà nước phải xác định rõ những lĩnh vực, ngành ưu tiên đầu tư và phát triển các công ty quy mô lớn có vai trò tiên phong, dẫn dắt. Chẳng hạn, các lĩnh vực như điện gió ngoài khơi, hydrogen xanh hay công nghiệp bán dẫn là những lĩnh vực đòi hỏi sự tham gia của các doanh nghiệp nhà nước, nhất là đơn vị quy mô lớn.
"Doanh nghiệp nhà nước cần làm những việc lớn, việc khó, việc mới để tạo lực cho phát triển kinh tế, nhường dư địa phát triển cho doanh nghiệp tư nhân ở những lĩnh vực khác", ông bình luận.
Hiện, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đang hoàn thiện để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án phát triển doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn, nhằm phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt cho các thành phần kinh tế khác.
Anh Minh