Phản ánh với Tuổi Trẻ, nhiều phụ huynh tại các trường tiểu học, trung học cơ sở ở TP.HCM vô cùng ngao ngán khi các môn như kỹ năng sống, STEM, câu lạc bộ... được nhà trường chèn xen kẽ với những giờ học chính khóa nhiều ngày trong tuần.
Việc chèn những tiết học thêm và học ngoài giờ vào thời khóa biểu chính khóa không chỉ là vấn đề tăng chi phí cho phụ huynh, mà còn khiến phụ huynh lo lắng cho sức khỏe của các con. Trong khi đó, không ít học sinh cảm thấy chán nản khi bị bắt buộc học những môn tự nguyện vì nội dung học rất dở.
Phản hồi đến Tuổi Trẻ Online, một phụ huynh có con học lớp 6 cho biết ở trường của con chương trình quy định có 4 tiết toán, thời khóa biểu chính khóa xếp 5 tiết, trong đó có 1 tiết STEM, dù môn này không bắt buộc.
Vậy có phải là hình thức trường bắt học sinh phải học thêm tại trường không?
Theo bạn đọc Thanh Hiếu, chuyện này không phải mới xảy ra: "Năm ngoái con tôi học lớp 1 đã thấy thời khóa biểu xếp như vậy. Năm nay lên lớp 2 vẫn thấy xếp xen kẽ như thế.
Điều đáng nói là họp phụ huynh không nghe giáo viên nói rõ về vấn đề này, chỉ nói chung chung là theo thông tư gì đó của Bộ Giáo dục và Đào tạo và học phí mỗi tháng hơn 300.000 đồng cho các môn học thêm này".
Còn bạn đọc Hong Yen bức xúc: "Trường nào cũng học hai buổi/ngày lẫn lộn giữa chính khóa và học thêm, tối lại phải làm bài tập về nhà, học sinh không có thời gian nghỉ ngơi, hoạt động thể chất, quá khổ cho các con. Bộ Giáo dục và Đào tạo nên xem lại chương trình học như vậy có thực sự hiệu quả không hay chỉ tăng gánh nặng cho học sinh và phụ huynh?".
Trả lời thay, bạn đọc David Tèo cho hay: "Chương trình giáo dục 2018 đã đầy đủ hết các môn rồi, bao gồm cả ngoại khóa, kỹ năng sống. Nếu nhà trường làm tốt vai trò truyền tải kiến thức cho học sinh theo đúng chương trình của bộ cũng đã quá tải rồi.
Cho nên việc đưa các môn học thêm vào thời khóa biểu chính thức thì hoặc là nhà trường làm không tròn trách nhiệm, hoặc là cắt bớt chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo để nhét các môn học thêm vào".
Bạn đọc Chín Xây Dựng hỏi thẳng: "Không lẽ việc dạy thêm trá hình ngang nhiên tồn tại trong nhiều trường học hay sao?". Và bạn đọc Ông Tám Hóc Môn yêu cầu: "Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cần nhanh chóng có chỉ đạo xử lý trước vấn nạn này".
Một số bạn đọc có ý kiến rằng những môn học năng khiếu, ngoài giờ có vai trò nhất định, như bạn đọc Pham Nguyen bày tỏ: "Con tôi rất hào hứng và thích thú với môn học STEM, còn đem thành quả về khoe. Kỹ năng sống cũng là một môn học hữu ích, học được những kỹ năng mà đôi khi phụ huynh chúng ta không có thời gian để hướng dẫn các bé".
Tuy nhiên, bạn đọc Thầy giáo 7 Hiền đề nghị: "Phải làm rõ vì sao lại phải chèn những môn năng khiếu vào thời gian chính khóa, bằng cách trả lời những câu hỏi sau: Thứ nhất, có phần trăm hoa hồng không? Thứ hai, nó có lợi ích giáo dục thiết thực không?
Nếu các câu trả lời là có cũng được mà không có cũng không ảnh hưởng thì phải tách riêng thành môn thể thao giải trí sau giờ học chính khóa. Ai không đăng ký cho học sinh thì rước về, ai muốn cho con học thì đóng thêm phí.
Đừng ép phụ huynh phải lựa chọn hoặc cho con học hoặc ra ghế đá, xuống thư viện ngồi, tội các cháu lắm!".
Tại nhiều trường tiểu học, THCS ở TP.HCM, những giờ học ngoài giờ lên lớp và giờ học tự nguyện bị xếp xen kẽ với những giờ học trong chương trình phổ thông bắt buộc. Điều này khiến phụ huynh rất đau đầu vì tự nguyện mà như bắt buộc.