30.000 người bị đau mắt đỏ ở Hà Tĩnh
Bệnh đau mắt đỏ xuất hiện ở Hà Tĩnh, số người mắc bệnh có chiều hướng gia tăng. Đến ngày 20-9, toàn tỉnh ghi nhận trên 30.000 trường hợp bị đau mắt đỏ, trong đó các địa phương có số ca bệnh nhiều như huyện Hương Khê, huyện Kỳ Anh và huyện Lộc Hà.
Có hàng ngàn học sinh bị mắc bệnh phải tạm thời nghỉ học cho đến khi khỏi bệnh mới trở lại trường.
Thời gian qua ngành y tế Hà Tĩnh đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách phòng, tránh bệnh đau mắt đỏ.
Các cơ sở y tế tổ chức việc khám bệnh, tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, tránh lây nhiễm chéo. Tuy nhiên, hiện số ca bệnh đau mắt đỏ vẫn còn nhiều.
Trước thực trạng trên, Sở Y tế Hà Tĩnh vừa có văn bản gửi các địa phương, cơ sở y tế và các công ty, chi nhánh dược trong tỉnh về việc bảo đảm cung ứng, kiểm soát chặt chẽ giá thuốc điều trị bệnh đau mắt đỏ.
Sở Y tế yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn chủ động mua sắm thuốc điều trị bệnh đau mắt đỏ theo các hình thức phù hợp để sẵn sàng cung ứng kịp thời thuốc phục vụ điều trị, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân.
Chỉ đạo các cơ sở bán lẻ thực hiện nghiêm quy định về quản lý giá thuốc, không được lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, tích trữ và tăng giá thuốc bất hợp lý nhằm trục lợi.
Ngành chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh thuốc điều trị bệnh đau mắt đỏ và xử lý nghiêm các vi phạm.
Đặc biệt những trường hợp kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, lợi dụng dịch bệnh để tăng giá thuốc bất hợp lý.
Bệnh đau mắt đỏ tiếp tục lan rộng tại trường học
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tiền Giang, đến ngày 26-9, các trường học tại tỉnh này đã phát hiện hơn 2.617 trường hợp bị đau mắt đỏ, trong đó có 689 học sinh ở khối mầm non, 816 học sinh tiểu học, 672 học sinh THCS, 440 học sinh THPT.
Ông Lê Quang Trí, giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tiền Giang, cho biết để chủ động phòng, chống, không để dịch bệnh bùng phát, lan rộng trong các cơ sở giáo dục, sở yêu cầu các đơn vị phối hợp với ngành y tế tổ chức chiến dịch truyền thông về bệnh đau mắt đỏ cùng các biện pháp phòng, chống cho công chức, viên chức, người lao động, học sinh, cha mẹ học sinh cùng người chăm sóc trẻ.
Các cơ sở giáo dục tăng cường kiểm tra, đôn đốc, triển khai kịp thời các biện pháp phòng bệnh; phát hiện sớm các trường hợp bị đau mắt đỏ tại các cơ sở giáo dục, thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để tổ chức khám, điều trị, xử lý ổ dịch kịp thời.
Bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Đa khoa Anh Đức, Bệnh viện Đa khoa Tâm Minh Đức tăng cường các biện pháp kiểm soát, phòng, chống, thu dung điều trị cho các trường hợp bị đau mắt đỏ.
Cẩn thận kẻo nhầm bệnh đau mắt đỏ với bệnh có biểu hiện tương tự
Theo TS Đặng Xuân Nguyên, chuyên gia về nhãn khoa, nếu thấy trẻ bị tình trạng mắt đỏ, cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần đưa trẻ đi gặp bác sĩ chuyên khoa, không tự sử dụng thuốc có thể gặp nguy hiểm cho trẻ.
"Có nhiều nguyên nhân dẫn đến biểu hiện đỏ mắt, chứ không chỉ riêng bệnh đau mắt đỏ, có thể do viêm màng bồ đào, glocom, viêm nội nhãn... Có nhiều trẻ bị đỏ mắt, gia đình tưởng đau mắt đỏ và tự nhỏ thuốc điều trị, đến khi cháu đến bệnh viện thì được chẩn đoán viêm nội nhãn và tình trạng đã muộn" - TS Nguyên cho biết.
Ông Nguyên cũng chia sẻ hiện trên mạng xã hội có những tài khoản hàng trăm ngàn người theo dõi lại hướng dẫn dùng thuốc trị đau mắt đỏ, trong khi sử dụng thuốc không đúng sẽ gây tình trạng giả mạc, phải bóc nếu không giả mạc sẽ dày lên, gây xước, loét giác mạc.
Chỉ trong một tuần, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) ghi nhận trên 4.300 học sinh đau mắt đỏ phải nghỉ học. Ngành giáo dục huyện này nhanh chóng ban hành công văn để hướng dẫn các trường tổ chức các biện pháp phòng tránh dịch bệnh.