Theo Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV), hai trạm này lắp đặt tại các ngọn hải đăng trên Đá Bắc và Đá Bông Bay thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Hai trạm được kết nối với hệ thống nhận dạng tự động tàu biển (AIS) nằm trên đất liền của Trung Quốc.
Hai trạm này sử dụng hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu Beidou (Bắc Đẩu), ra đời năm 2020 để làm đối trọng với hệ thống định vị GPS của Mỹ. Beidou có thể xác định vị trí các tàu và truyền tín hiệu.
Giống như GPS, Beidou không yêu cầu trạm mặt đất để cung cấp dịch vụ điều hướng hoặc định vị. Nhưng một trạm mặt đất gần đó có thể cải thiện đáng kể độ chính xác, đặc biệt là dùng cho mục đích quân sự.
Cơ quan quản lý hàng hải Trung Quốc yêu cầu tất cả các tàu phải có máy tiếp sóng AIS và luôn bật tín hiệu để chính quyền và các tàu khác có thể xác định và theo dõi vị trí.
Các trạm mặt đất mới của Trung Quốc đã được lắp đặt ở Đá Bắc, phần cực bắc của quần đảo Hoàng Sa, và Đá Bombay ở phía đông nam quần đảo, gần tuyến đường biển quốc tế đi qua khu vực trung tâm của Biển Đông.
Giữa hai trạm là một số cơ sở nhạy cảm của Trung Quốc: trụ sở "Tam Sa" và một số hòn đảo nơi các căn cứ hải quân và không quân đã được xây dựng.
Đài CCTV dẫn lời Cục An toàn hàng hải Trung Quốc cho biết hai trạm mặt đất nói trên bắt đầu hoạt động vào ngày 22-9, nhằm giải quyết vấn đề điểm mù ở vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
CCTV cho biết thêm các trạm này được cho là "đóng vai trò hỗ trợ mạnh mẽ" để giám sát tàu thuyền trong khu vực, "bảo vệ sinh thái các đảo và rạn san hô của cái gọi là "thành phố Tam Sa", đồng thời cung cấp hướng dẫn điều hướng an toàn và đáng tin cậy hơn cho các tàu thuyền ở Biển Đông".
Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, ngày 25-9, trả lời câu hỏi phóng viên đề nghị cho biết phản ứng trước việc Trung Quốc lắp đặt và đưa vào sử dụng hai trạm nhận dạng tàu thuyền tự động tại Đá Bắc và Đá Bông Bay thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nêu rõ: "Việc Trung Quốc lắp đặt và đưa vào sử dụng hai trạm nhận dạng tàu thuyền tự động tại Đá Bắc và Đá Bông Bay thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa".
Người phát ngôn Phạm Thu Hằng nhấn mạnh mọi hoạt động trên quần đảo Hoàng Sa mà không được phép của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam và hoàn toàn không có giá trị.
Bà tuyên bố: "Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng đầy đủ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, không tái diễn những vi phạm tương tự".
Việt Nam đã nhiều lần tuyên bố có đầy đủ chứng cứ lịch sử, cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.
Trước đó, vào tháng 4-2020, Đài CGTN đưa tin Chính phủ Trung Quốc đã thông qua quyết định thành lập cái gọi là "quận Tây Sa" và "quận Nam Sa" thuộc "thành phố Tam Sa".
Đây là "đơn vị hành chính" mà Trung Quốc đã ngang nhiên thành lập vào năm 2012 để quản lý "Tây Sa, Trung Sa và Nam Sa". "Tây Sa và Nam Sa" là cách Trung Quốc gọi quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khi đó đã lên tiếng trước việc Trung Quốc thông báo thành lập "quận Tây Sa" và "quận Nam Sa" tại cái gọi là "thành phố Tam Sa".
Lập trường nhất quán của Việt Nam là phản đối mạnh mẽ việc thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" và các hành vi có liên quan vì đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, không có giá trị và không được công nhận, không có lợi cho quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và gây thêm phức tạp tình hình Biển Đông, khu vực và thế giới - bà Hằng nêu rõ.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng về việc Trung Quốc lắp đặt và đưa vào sử dụng hai trạm nhận dạng tàu thuyền tự động tại Đá Bắc và Đá Bông Bay thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.