Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa có dự thảo thông tư hướng dẫn hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong đào tạo nghề cho người lao động. Theo đề xuất, việc thanh quyết toán kinh phí sẽ được Bộ Tài chính hướng dẫn.
Cụ thể, người lao động được cử tham gia đào tạo nghề trình độ sơ cấp hoặc chương trình đào tạo dưới 3 tháng phải làm trong doanh nghiệp nhỏ và vừa tối thiểu 6 tháng liên tục. Các chi phí khác do doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận.
Việc hỗ trợ hướng tới các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người.
Đồng thời, doanh nghiệp phải đáp ứng một trong hai tiêu chí tổng nguồn vốn không quá 100 tỉ đồng và tổng doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỉ đồng. Các doanh nghiệp này thuộc những lĩnh vực như nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, xây dựng, thương mại và dịch vụ.
Dự thảo còn ưu tiên hỗ trợ học nghề cho lao động thuộc diện hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, khuyết tật, dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Những người thuộc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh và lao động làm tại doanh nghiệp ở nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các doanh nghiệp do nữ làm chủ cũng được ưu tiên.
Các ngành, nghề nhận hỗ trợ do doanh nghiệp lựa chọn dựa trên ngành, nghề đăng ký kinh doanh và có trong danh mục được UBND cấp tỉnh phê duyệt phù hợp từng vùng, địa phương theo quyết định 46 ngày 28-9-2015 của Thủ tướng. Doanh nghiệp có thể đề xuất Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trình UBND cấp tỉnh phê duyệt ngành, nghề chưa có trong danh mục.
Ngoài ra, dự thảo “mở” khi cho phép doanh nghiệp được lựa chọn cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn để cử lao động tham gia đào tạo nghề.
Ban soạn thảo lưu ý doanh nghiệp nhỏ và vừa tự tổ chức đào tạo cho người lao động phải đảm bảo pháp luật giáo dục nghề nghiệp và được sự đồng ý của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi đặt trụ sở.
Trước đó vào tháng 3-2023, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có báo cáo về gói 4.500 tỉ hỗ trợ đào tạo, nâng cao tay nghề người lao động.
Theo cơ quan này, do nhiều nguyên nhân như quy định chặt chẽ, doanh nghiệp tập trung sản xuất nên không thể bố trí người đào tạo, tỉ lệ giải ngân của gói 4.500 tỉ rất thấp. Cụ thể, đến tháng 11-2022, có 71 đơn vị và 8.780 lao động thụ hưởng hỗ trợ.
Nghề thẩm mỹ có xu hướng thịnh hành trong những năm trở lại đây bởi tiềm năng phát triển, cơ hội việc làm rộng mở cùng mức thu nhập ổn định.