Vô số bằng tiến sĩ loại hình này có thể sẽ được công nhận tại Việt Nam khi quy định về công nhận văn bằng có sự thay đổi. Hiện tại dự thảo quy định này đang được lấy ý kiến.
Nhiều điểm mới
Mới đây, ông Lê Minh Thành, trưởng khoa du lịch Trường ĐH Văn Lang, bị phản ánh sử dụng bằng tiến sĩ của SMC (Thụy Sĩ) chưa được công nhận tại Việt Nam. Bằng cấp chưa được công nhận nhưng ông này đã giữ vị trí trưởng khoa bốn năm qua.
Được biết ông Thành được SMC của Thụy Sỹ cấp bằng tiến sĩ quản trị học năm 2017. Ông Thành học tiến sĩ theo hình thức kết hợp cả trực tuyến và trực tiếp. Học trực tiếp thì tại Hoa Kỳ, một trong hai địa điểm đào tạo của SMC (Hoa Kỳ và Thụy Sỹ).
Đây không phải là trường hợp cá biệt. Rất nhiều người đã và đang theo học các chương trình thạc sĩ trực tuyến hoàn toàn hoặc tiến sĩ trực tuyến kết hợp trực tiếp của các trường đại học Pháp, Thụy Sĩ, Mỹ, Philippines... Những bằng tiến sĩ này không được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận theo quy định.
Trước đây nhiều năm, các trường đại học trong nước liên kết với một số đại học Philippines tổ chức các lớp đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ do đại học Philippines cấp bằng. Phần lớn thời gian học viên tự học, mỗi tháng một vài ngày sang Hong Kong, Thái Lan hay Malaysia học trực tiếp. Nhiều người nộp hồ sơ công nhận văn bằng nhưng bộ không công nhận do đây là hình thức đào tạo từ xa, không đáp ứng được các điều kiện công nhận văn bằng lúc bấy giờ.
Hiện nay, rất nhiều chương trình tiến sĩ, thạc sĩ do các đơn vị trong nước phối hợp với các đại học Pháp, Mỹ thực hiện theo hình thức đào tạo trực tuyến hoàn toàn. Trả lời Tuổi Trẻ, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định các chương trình này chưa được cấp phép tại Việt Nam nên bằng sẽ không được công nhận.
Tuy nhiên, theo dự thảo thông tư quy định về công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam (gọi tắt là dự thảo), vô số bằng tiến sĩ hình thức du học ngắn ngày này nhiều khả năng sẽ được công nhận.
Điểm đáng chú ý là quy định công nhận văn bằng của các hình thức đào tạo trực tuyến hoàn toàn bị bãi bỏ trong dự thảo quy định mới. Văn bằng sẽ được công nhận khi chương trình được kiểm định bởi cơ quan có thẩm quyền của nước nơi cơ sở giáo dục đặt trụ sở chính, hoặc được công nhận bởi cơ quan có thẩm quyền của nước nơi cơ sở giáo dục đặt trụ sở chính.
Lo ngại mua bán bằng cấp
Tại hội thảo về các văn bản quản lý văn bằng, chứng chỉ và công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp được Cục Quản lý chất lượng - Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức đầu tháng 8 tại TP.HCM, đại diện nhiều trường đại học đồng ý quan điểm công nhận văn bằng không phân biệt loại hình đào tạo, liên kết đào tạo...
Nếu như trước đây các quy định liên quan đến công nhận văn bằng đào tạo trực tuyến, từ xa yêu cầu minh chứng khá nghiêm ngặt thì dự thảo mới không còn các quy định này.
Điều này khiến nhiều người lo ngại chất lượng thực tế của bằng tiến sĩ. Ông Nguyễn Tiến Dũng - phó hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội - cho rằng cần có yêu cầu minh chứng hình thức đào tạo để đảm bảo người có tên trên văn bằng học thật, thi thật.
Tương tự, chuyên viên hợp tác quốc tế một trường đại học tại Hà Nội lo lắng nếu mở công nhận bằng cấp cho các loại hình từ xa, trực tuyến mà thiếu các minh chứng bắt buộc như dự thảo sẽ dẫn đến nhiều rủi ro khi nạn mua bán bằng cấp càng nở rộ.
Bà này cho rằng tồn tại nhiều văn bằng không được công nhận do hình thức đào tạo theo thông báo tuyển sinh và hình thức đào tạo thực tế không đồng nhất. Người học chỉ xuất cảnh (hộ chiếu là minh chứng cho thời gian lưu trú ở nước ngoài) một thời gian rất ngắn.
"Trước đây, bộ đã không công nhận nhiều văn bằng học từ xa/trực tuyến do không được kiểm soát về mặt chất lượng. Nếu mở công nhận bằng cấp theo hình thức từ xa như dự thảo thì sẽ rủi ro cao về vấn nạn mua bán bằng cấp của nước ngoài. Hiện nhiều công ty, tổ chức, cá nhân môi giới việc học trực tuyến để nhận bằng nước ngoài (bằng được công nhận nhưng học giả, tiêu cực)" - bà nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, bà cũng đề xuất minh bạch hóa việc công nhận văn bằng để xã hội giám sát. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có hệ thống tra cứu văn bằng, tham gia mạng lưới công nhận văn bằng ở khu vực. Chỉ có minh bạch mới đúng theo thông lệ quốc tế.
Căn cứ vào chuẩn đầu ra
Trả lời Tuổi Trẻ những vấn đề công nhận văn bằng theo dự thảo, Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT cho biết hiện nay, hầu hết các nước trên thế giới không phân biệt loại hình đào tạo từ xa hay trực tiếp mà căn cứ vào giá trị văn bằng.
Luật Giáo dục đại học của Việt Nam không phân biệt giá trị văn bằng qua các hình thức đào tạo, điều quan trọng là người học phải đạt được chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo theo quy định.
Một số trường hợp cụ thể như báo Tuổi Trẻ nêu như Bulacan, Tarlac (Philippines), UBIS (Thụy Sĩ, Mỹ)… nếu chương trình đào tạo, cơ sở giáo dục không đáp ứng được các điều kiện nêu trong dự thảo và văn bằng không được cơ quan có thẩm quyền về giáo dục của nước sở tại công nhận thì cũng sẽ không được công nhận tại Việt Nam.
Cơ hội cho những người học đại học Bulacan, Tarlac...?
Một cán bộ từng làm việc tại Bộ GD-ĐT cho biết với quy định mới trong dự thảo, bằng cấp theo hình thức đào tạo từ xa trước không được công nhận thì nay lại được công nhận. Như vậy, nếu dự thảo được thông qua, các trường hợp học đại học Bulacan, Tarlac (Philippines) và nhiều chương trình thạc sĩ, tiến sĩ trực tuyến hoàn toàn của đại học Pháp, Thụy Sĩ, Mỹ mà báo Tuổi Trẻ đã phản ánh (không được công nhận) nay sẽ được công nhận.
Chỉ nên xem là một tiêu chí tuyển dụng
Ông Lê Trường Tùng, chủ tịch hội đồng trường Trường ĐH FPT, cho rằng công nhận văn bằng hay không là quyền cá nhân và cũng không cần thiết phải thực hiện công nhận văn bằng.
"Bằng tiến sĩ Harvard liệu có cần phải công nhận không? Mà dù được công nhận đi chăng nữa, nếu giảng dạy không tốt thì cũng không thể sử dụng được. Do đó, công nhận văn bằng chỉ nên xem là một tiêu chí tuyển dụng nếu cần. Công nhận có nghĩa để đảm bảo chất lượng nhưng ở khía cạnh nào đó đang bị băm nhỏ xem xét gây bức xúc, là cơ sở để tố cáo lẫn nhau.
Chúng ta lo ngại bằng tiến sĩ ngắn ngày nhưng liệu bằng tiến sĩ của ta có tốt hơn không, bằng tiến sĩ của ta có được nước ngoài công nhận không? Do vậy ở góc độ trường đại học, chúng tôi không đặt vấn đề công nhận văn bằng và cũng không có nhu cầu bộ công nhận văn bằng tiến sĩ nước ngoài" - ông Tùng bày tỏ quan điểm.
Cũng theo ông Tùng, cần phải xem mục tiêu công nhận văn bằng là gì. Đó không phải công nhận bằng thật - giả mà là có đáp ứng được các yêu cầu thủ tục hay không. Ở khía cạnh trường đại học, họ có thể biết trường cấp bằng chất lượng thế nào. Chất lượng không phải có được bộ công nhận hay không.
Theo dự thảo thông tư công nhận văn bằng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, điều kiện công nhận văn bằng bao gồm bằng thạc sĩ, tiến sĩ do đại học nước ngoài cấp "mở" hơn so với trước đây.