Trả lời báo chí về kết quả chuyến công tác Mỹ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết chuyến đi đã thành công tốt đẹp, đạt ở mức cao tất cả mục tiêu và nhiệm vụ với 113 giờ hoạt động liên tục.
Phiên họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc năm nay có sự tham dự đông đảo của hơn 150 lãnh đạo các nước. Chuyến công tác cũng diễn ra ngay sau khi Việt Nam và Mỹ xác lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.
Truyền tải thông điệp, mở rộng quan hệ tại Liên Hiệp Quốc
Với Liên Hiệp Quốc, các phát biểu của Thủ tướng tại các phiên họp, nhất là Phiên thảo luận cấp cao đã truyền tải được những thông điệp lớn về quan điểm, chính sách cụ thể của Việt Nam về đường lối đối ngoại.
Những phát biểu đó cũng thể hiện hình ảnh một Việt Nam trân trọng sự quý giá của hòa bình, ổn định, đang phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội. Đó còn là hình ảnh Việt Nam có vai trò, vị thế và uy tín ngày một được nâng cao trên trường quốc tế.
Thủ tướng và các quan chức tháp tùng cũng đã tranh thủ tối đa chuyến đi để phát triển hơn nữa và mở mới quan hệ với các nước, các tổ chức quốc tế với hàng chục hoạt động tiếp xúc với lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế.
Trong dịp này, Việt Nam cũng đã thiết lập quan hệ ngoại giao thêm với Tonga, đưa tổng số nước có quan hệ ngoại giao với Việt Nam lên 193 nước. Việt Nam cũng là một trong số những nước đầu tiên ký Hiệp định về Biển cả (BBNJ).
Tại các cuộc gặp, các đối tác đều thể hiện coi trọng vị thế, vai trò và tiếng nói tích cực của Việt Nam. Lãnh đạo nhiều nước ủng hộ tầm quan trọng của việc giải quyết hòa bình tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông.
Sau chuyến công tác này, Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ, tranh thủ tối đa sự ủng hộ, hỗ trợ của quốc tế về nguồn lực, công nghệ, nâng cao năng lực cho phát triển đất nước.
Thúc đẩy đột phá Việt - Mỹ về công nghệ, đổi mới sáng tạo
Với Mỹ, đây là chuyến công tác đầu tiên của lãnh đạo chủ chốt Việt Nam sau khi hai nước thiết lập khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Chuyến đi góp phần triển khai các thỏa thuận đã đạt được trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Thủ tướng đã có hàng chục cuộc gặp và tham dự sự kiện tại San Francisco, Washington D.C và New York, với sự hiện diện của các quan chức cao cấp của chính quyền, Quốc hội liên bang, các tiểu bang, giới doanh nghiệp, trí thức, các bạn bè lâu năm và cộng đồng người Việt Nam tại Mỹ.
Trong những cuộc gặp đó, phía Mỹ đều khẳng định coi trọng Việt Nam và việc phát triển quan hệ hai nước có được sự ủng hộ mạnh mẽ của lưỡng đảng.
Hai bên cũng thống nhất cao về việc cần khẩn trương triển khai thực hiện khuôn khổ quan hệ mới để sớm đạt kết quả cụ thể.
Trong đó các lĩnh vực trọng tâm gồm kinh tế - thương mại - đầu tư, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục - đào tạo, khắc phục hậu quả chiến tranh, y tế - môi trường, giao lưu nhân dân.
Phía Mỹ phản hồi tích cực đối với các ưu tiên cao của Việt Nam về việc công nhận quy chế kinh tế thị trường, hạn chế các biện pháp phòng vệ thương mại, mở cửa hơn nữa thị trường cho hàng Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam xây dựng hệ sinh thái bán dẫn và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung toàn cầu, hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh.
Cộng đồng doanh nghiệp Mỹ thì khẳng định tiếp tục mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Nhiều thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực hạ tầng cơ sở, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, công nghệ cao đã được ký kết và trao đổi.
Theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, sau chuyến đi lần này, hai bên cần phối hợp chặt chẽ, tích cực triển khai thực hiện các thỏa thuận, cam kết của lãnh đạo cấp cao hai nước theo khuôn khổ quan hệ mới, sớm đạt kết quả cụ thể.
Hai bên sẽ ưu tiên các lĩnh vực kinh tế - thương mại - đầu tư hiệu quả, hài hòa, bền vững, đồng thời coi khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo là các lĩnh vực hợp tác mang tính đột phá.
Việt Nam và Mỹ cũng sẽ tiếp tục hợp tác giáo dục - đào tạo, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu.
Mở ra cơ hội hợp tác mới Việt Nam - Brazil
Với chuyến thăm chính thức Brazil của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết chuyến đi diễn ra vào thời điểm hết sức có ý nghĩa, khi hai nước hướng tới kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 16 năm xác lập quan hệ Đối tác toàn diện trong năm 2024.
Đồng thời, đây cũng là hành trình theo dấu chân Bác, khi năm 1912 Bác Hồ đã từng lưu lại Brazil khi đi tìm đường cứu nước.
Ông Sơn cũng đánh giá chuyến thăm đã đạt kết quả thực chất, toàn diện trên tất cả các kênh, cùng đó mở ra cơ hội hợp tác trong một số lĩnh vực mới như kinh tế xanh, kinh tế số.
Nhân chuyến thăm, hai bên đã ra thông cáo chung, trong đó định hướng cho hợp tác ngày càng thực chất, hiệu quả, hướng tới khuôn khổ quan hệ mới phù hợp trong thời gian tới.
Về kinh tế - thương mại, Việt Nam đứng trước cơ hội lớn gia tăng kim ngạch song phương lên 10 tỉ USD năm 2025 và 15 tỉ USD năm 2030 và thúc đẩy hợp tác lao động, đầu tư.
"Chúng ta trông đợi Brazil, thành viên sáng lập và hiện là chủ tịch luân phiên của khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR), tiếp tục ủng hộ và thúc đẩy sớm khởi động đàm phán FTA giữa Việt Nam và MERCOSUR", ông Sơn nói thêm.
Hai bên sẽ tiếp tục đàm phán để ký kết một số thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực hợp tác kỹ thuật, ngoại giao, đầu tư, an ninh, giao lưu nhân dân, hợp tác địa phương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định chỉ có lòng tin, sự chân thành và đoàn kết trên phạm vi toàn cầu, với vai trò của Liên Hiệp Quốc, cộng đồng quốc tế mới cùng nhau vượt qua các khó khăn và thách thức.