Một trong số đó là Phạm Thị Huệ, người năm nay đã 34 tuổi. Đó cũng là huy chương Asiad thứ tư trong sự nghiệp của Huệ và giúp cô nâng cao bản thành tích ấn tượng của cá nhân.
Chưa muốn dừng lại
Sinh ra ở Quảng Bình, cái duyên đã dẫn Huệ đến với đua thuyền và gặt hái không ít thành công. Ở tuổi 34, Huệ là chỗ dựa tinh thần cho các đàn em trong thi đấu. Khi về đích, Huệ cùng ba đồng đội đều bật khóc.
Nhưng cô đã kìm nén cảm xúc để... dỗ các đồng đội. Để tham dự Asiad 19, Phạm Thị Huệ cũng phải để hai con nhỏ ở nhà để lên đường. Nhưng với đam mê mãnh liệt, Huệ khẳng định mình chưa muốn dừng lại dù đã lớn tuổi.
Hay như Đinh Thị Hảo, người đã gắn bó với Phạm Thị Huệ không chỉ ở Asiad 19 mà còn ở Asiad 18 năm 2018, khi họ cùng nhau đoạt HCB. Sinh năm 1997, Hảo cũng là "đàn chị" trong đội.
Con đường đến với đua thuyền của Hảo cũng đầy chông gai, khi từng bị cha mẹ phản đối dù được các nhà tuyển trạch đánh giá cao năng khiếu. Nhưng sau đó, bằng nghị lực và ý chí, cô đã thuyết phục được gia đình.
Nếu như năm đó không được cha mẹ đồng ý, có lẽ đua thuyền Việt Nam đã mất đi một tài năng sáng giá. Bởi ngoài hai chiếc huy chương Asiad, cô còn nhiều lần giành HCV SEA Games và cả suất dự Olympic Tokyo 2020.
Mong một chỗ tập chất lượng
Theo một thành viên đội đua thuyền, phong trào chơi môn này đang ngày một phát triển. Nhưng để lên chuyên nghiệp thì cần rất nhiều yếu tố và phải trải qua quá trình đào tạo lâu dài, gian khổ.
Trong đó, việc rèn luyện để làm sao đủ sức chèo quãng đường 2.000m khi thi đấu là rất khó khăn. Vì vậy, điều đó đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ và ý chí vượt khó của VĐV.
Do đó, khi thấy những cô gái Việt Nam với thân hình thấp bé hơn hẳn so với các tay chèo Trung Quốc trên bục nhận huy chương mới hiểu rõ sự vất vả của họ như thế nào.
Trong số những VĐV nữ của tuyển đua thuyền, TP.HCM góp mặt hai cái tên là Lê Thị Hiền và Hồ Thị Lý. Và cả hai cũng đều giành được HCĐ ở cùng nội dung thuyền 8 người hạng nặng 2 mái chèo.
Là người của TP.HCM, nhưng quê gốc của Hiền và Lý đều ở những vùng miền Trung. Theo chia sẻ của ông Hoàng Đức Tân - HLV đội đua thuyền TP.HCM, Lê Thị Hiền và Hồ Thị Lý được phát hiện cách đây khoảng 10 năm.
Sau thời gian tập luyện ở Đà Nẵng, họ đã cùng ông Tân về đầu quân cho TP.HCM. Trong nhiều năm qua, đội đua thuyền của thành phố gần như không có địa điểm tập luyện thích hợp.
Vì vậy các VĐV như Hiền, Lý thường phải ra... hồ Trị An để tập. Nhưng thành tích của hai cô gái này ở Asiad có thể sẽ góp phần thay đổi chuyện đó.
HLV Hoàng Đức Tân chia sẻ: "Chiếc HCĐ có ý nghĩa không chỉ với cá nhân họ mà còn với đua thuyền TP.HCM. Thành công của họ sẽ thúc đẩy thêm phong trào chơi môn này.
Chúng tôi cũng hy vọng sắp tới, đội đua thuyền TP.HCM sẽ được tạo điều kiện tập luyện tại một trung tâm chất lượng ở Cần Giờ".
Bất ngờ vì sự xuất hiện của truyền thông
Tại các kỳ đại hội, đua thuyền thường mang về nhiều huy chương cho thể thao Việt Nam. Tuy nhiên, họ lại ít được cánh phóng viên để ý do địa điểm thi đấu thường cách xa trung tâm. Tại Asiad 19, đua thuyền được tổ chức tại Fuyang, cách Hàng Châu 50km.
Nhưng may mắn là lần này, đua thuyền diễn ra vào thời điểm các môn khác chưa thi đấu dồn dập. Do đó, trong hai ngày 24 và 25-9, rất đông phóng viên Việt Nam đã đến tác nghiệp và đưa tin về 3 HCĐ mà đội đoạt được.
Ngay người đã thi đấu lâu năm như Phạm Thị Huệ cũng tỏ ra bất ngờ. Sau khi nhận huy chương, cô đã mời các đồng đội, HLV, cán bộ và cả... các phóng viên chụp ảnh lưu niệm.
Như rất nhiều kỳ đại hội thể thao trước đây, đua thuyền thường là một trong những môn đem về thành tích đầu tiên cho Việt Nam. Lần này ở Asiad 19 Hàng Châu (Trung Quốc) cũng vậy.