Sức tiêu thụ giảm
Theo Kinh tế & Đô thị, thông thường, từ Rằm tháng 7 đến đầu tháng 8 âm lịch, thị trường bánh Trung thu rất sôi động, thế nhưng năm nay thị trường tiêu thụ bánh nướng, bánh dẻo trầm lắng. Dọc các con phố Đào Tấn (Ba Đình), Xã Đàn, Láng Hạ (Đống Đa), Lê Đức Thọ (Cầu Giấy), Quang Trung (Hà Đông) của Hà Nội... nơi tập trung rất nhiều các cửa hàng kinh doanh bánh Trung thu nhưng có rất ít khách mua.
Nhân viên kinh doanh bánh Trung thu nhãn hiệu Kinh Đô trên phố Xã Đàn (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, dù đã mở bán cả tháng nay, nhưng trung bình, chỉ tiêu thụ được lượng bánh trị giá từ 3 - 4 triệu đồng/ngày. So với cùng kỳ năm trước, doanh thu bán hàng năm nay sụt giảm khoảng 40%.
Không chỉ những quầy giới thiệu và bán sản phẩm bánh Trung thu của các doanh nghiệp sản xuất mới vắng khách mà những cửa hàng chuyên kinh doanh bánh kẹo cũng rơi vào tình trạng tương tự.
Chủ cửa hàng bán bánh Trung thu ở đường Hàm Nghi (Cầu Giấy, Hà Nội) Nguyễn Văn Long chia sẻ, trước đây vào thời gian này thì khách đến mua rất đông, không kịp bán, nhà tôi phải huy động mấy người cùng bán, mỗi ngày thu 15-20 triệu đồng. Nhưng giờ người dân thắt chặt chi tiêu, doanh thu giảm chỉ bằng 50-60% so với năm ngoái. Sức tiêu thụ giảm nên không dám nhập nhiều hàng vì sợ nhập nhiều tồn kho, không bán được thì lỗ.
Lý giải nguyên nhân khiến thị trường bánh Trung thu trầm lắng, những người kinh doanh bánh Trung thu có chung ý kiến, nhiều gia đình cũng dần không còn mặn mà với dịp Tết này nên cũng phần nào ảnh hưởng tới thị trường. Bên cạnh đó do tình hình kinh tế khó khăn, nên năm nay nhiều doanh nghiệp cũng cắt giảm các xuất quà tặng đối tác, vì vậy, các hộp quà biếu năm nay không còn bán được nhiều như mọi năm.
Đại diện thương hiệu bánh Madame Hương cho biết, đến thời điểm này nhu cầu mua bánh Trung thu để biếu tặng của các doanh nghiệp đã giảm khoảng 40 - 45% so với mọi năm, thậm chí có doanh nghiệp dừng mua sản phẩm.
Theo chia sẻ của nhiều người tiêu dùng, nếu như trước đây chỉ đến ngày Rằm tháng 8 mới có bánh nướng, bánh dẻo, nên phải đợi đúng dịp Trung thu mới có thể mua bánh, thì nay được sản xuất quanh năm, nên nhu cầu giảm rõ rệt. Chưa kể mua bánh trong dịp này giá lại cao hơn so với ngày thường nên nhiều gia đình chỉ mua 1 hộp về thắp hương đúng ngày rằm.
Ngoài ra hiện đang nổi lên phong trào sản xuất, kinh doanh bánh handmade giá rẻ hơn hẳn hàng sản xuất công nghiệp nên người tiêu dùng có thêm quyền lựa chọn sản phẩm.
Theo chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú, thương mại điện tử phát triển nên khách hàng có xu hướng chuyển sang mua trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki, Tiktok shop… Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho nhu cầu mua bánh tại các quầy hàng truyền thống không còn nhiều như trước.
Theo Thanh Niên, theo chủ nhiều điểm bán bánh trung thu, lượng khách năm nay không bằng mọi năm.
Tại một điểm bán bánh trung thu ở Q.5, chủ điểm bán cho biết cũng hơn 1 tuần nay, từ khi tung khuyến mãi “mua 1 tặng 4”, khách cũng trở nên đông hơn, song vẫn rất vắng so với những mùa trung thu trước, thị trường buôn bán ảm đạm.
Theo người này, khách lớn tuổi chủ yếu chuộng các bánh nhân đậu xanh, hạt sen, thập cẩm. Người trẻ thì tìm mua nhân hạt sen, trà xanh, vi cá, gà quay… Thời điểm này, dù đã cận trung thu nhưng điểm bán vẫn chưa đạt được doanh thu như kỳ vọng.
Đồng loạt khuyến mại giảm giá
Theo Kinh tế & Đô thị, sức tiêu thụ giảm sút, để kích cầu tiêu dùng các doanh nghiệp, đơn vị bán lẻ đồng loạt tung chương trình giảm giá bánh Trung thu.
Tại hệ thống siêu thị WinMart tổ chức chương trình khuyến mại “Vũ hội trăng rằm-thắm tình đoàn viên” qua đó giảm giá 15% cho tất cả các sản phẩm bánh Trung thu. Tương tự hệ thống siêu thị Bách Hóa Xanh cũng đưa chương trình khuyến mại “Trung thu đoàn viên-Nhận quà liên miên”, khách hàng khi mua bánh Trung thu sẽ được mua 1 tặng 1.
Còn tại hệ thống siêu thị Go! Big C đang triển khai chương trình khuyến mại với tên gọi “Trung thu đoàn viên-Nếm trọn an yên”. Cụ thể, từ nay đến hết 29/9, Go! Big C giảm giá đến 22% sản phẩm bánh Trung Thu. Theo đó, hộp 4 bánh Trung thu loại 200g gồm 1 bánh thập cẩm và 3 bánh không trứng giảm từ 229.000 đồng xuống còn 189.000 đồng/hộp, hộp 1 bánh thập cẩm, 1 bánh có trứng và 2 bánh không trứng giảm từ 279.000 đồng xuống còn 229.000 đồng/hộp.
Hộp 4 bánh Trung thu gồm 1 bánh thập cẩm và 3 bánh có trứng giảm xuống chỉ còn 249.000 đồng (giá niêm yết 300.000 đồng), bánh Trung thu trà xanh giảm xuống còn 39.000 đồng/chiếc, loại nhân khoai môn, trứng chỉ còn 49.000 đồng/chiếc (giá niêm yết 63.000 đồng/chiếc), bánh nhân đậu xanh loại 200g giảm xuống còn 39.000 đồng/chiếc, nếu khách hàng mua loại nhân đậu xanh, sầu riêng, trứng 200g, giá chỉ còn 49.000 đồng/chiếc….
Ngoài ra, siêu thị còn tổ chức chương trình ưu đãi mua 4 tặng 1 và bán đồng giá từ 39.000-40.000 đồng các bánh không trứng. Đặc biệt với những đơn hàng trị giá trên 1 triệu đồng còn được giảm thêm 15% giá trị đơn hàng.
Thực tế cho thấy thời điểm này trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki và Sendo…cũng đồng loạt giảm giá mặt hàng này từ 5-50%, tuỳ loại.
Đơn cử, trên Lazada, giá một số loại bánh Trung thu nhân đậu xanh, trà xanh, thập cẩm trứng muối... cũng được giảm từ 25-44%, còn 14.000-42.000 đồng/bánh tuỳ loại.
Tương tự, trên Shopee, một thương hiệu bánh được quảng cáo là nổi tiếng ở TP Hồ Chí Minh có 20 vị nhân bánh khác nhau thì có đến 15 vị đang chạy chương trình giảm giá từ 8-40% cho loại bánh có trọng lượng 175 gram/bánh. Riêng hộp giấy đựng bánh giảm giá tới 50%. Trên sàn thương mại điện tử Tiki giảm từ 9-22% cho sản phẩm bánh Trung thu nhân thập cẩm, trà xanh, trứng muối, socola…
Thực tế cho thấy đa phần những loại bánh Trung thu giảm giá đến 50% chủ yếu là sản phẩm do các cơ sở tư nhân nên rất khó kiểm soát về chất lượng. Dưới góc độ nhà khoa học, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - Đại học Bách khoa Hà Nội khuyến cáo, người dân chỉ có thể tự bảo vệ sức khỏe của mình bằng cách chọn mua những loại bánh có thương hiệu, đáng tin cậy và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Theo Pháp Luật Tp.HCM, theo các chuyên gia, việc kinh doanh bánh trung thu online giúp người mua thuận tiện hơn trong quá trình mua sắm, hưởng lợi từ chương trình khuyến mãi, còn người bán thì tăng doanh thu và tệp khách hàng. Tuy nhiên, hình thức này vẫn mang lại nhiều rủi ro về vấn đề an toàn thực phẩm, nhất là các thương hiệu "nhà làm" và bánh nhập khẩu.
Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương đã cảnh báo người tiêu dùng về các loại bánh giá rẻ, không nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng được bán tràn lan trên các hội nhóm, chợ mạng.
Bởi việc bán online này tiềm ẩn nhiều rủi ro như quá trình bảo quản vận chuyển không đảm bảo. Nhiều đối tượng lợi dụng không gian mạng để bán các loại bánh không được kiểm định chất lượng, bánh có chất phụ gia không được phép sử dụng...
Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số khuyến cáo người tiêu dùng cần chọn các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng như có tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, hướng dẫn sử dụng, bảo quản...
Sản phẩm phải ghi ngày sản xuất, thời hạn sử dụng và còn hạn sử dụng. Bánh không bị dập nát biến dạng, không có màu sắc khác thường, không bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng và không có mùi khác lạ.
Đào Vũ (T/h)