19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp năm ngoái có doanh thu gần 82 tỷ USD, tương đương 20% GDP. Đáng chú ý các tập đoàn về năng lượng ghi nhận doanh thu kỷ lục kể từ khi thành lập như PVN, TKV.
Chi phối trong nhiều lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế nhưng trong bối cảnh mới, các doanh nghiệp này cũng đang cần nỗ lực chuyển mình, tăng khả năng cạnh tranh để tương xứng với nguồn lực nắm giữ. Đây cũng là nội dung của buổi Toạ đàm "Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp: Nhìn lại và hướng tới" do Báo Đầu tư tổ chức hôm 26/9.
Tọa đàm "“Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp: Nhìn lại và Hướng tới”. Ảnh: Báo ĐTĐCSVN
Theo số liệu của Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, vốn chủ sở hữu và tài sản hợp nhất của 19 tập đoàn, tổng công ty tăng đáng kể so với 2018 - thời điểm các doanh nghiệp này được chuyển về cho Ủy ban quản lý.
Theo đó, tổng vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp này tới cuối năm ngoái là hơn 1,15 triệu tỷ đồng, tăng gần 10% sau 5 năm. Tổng tài sản các doanh nghiệp này nắm giữ đạt gần 2,5 triệu tỷ đồng, bằng 65% tổng tài sản của các doanh nghiệp nhà nước trên cả nước.
Ông Võ Trí Thành - Chuyên gia kinh tế cho biết: "Kết quả cũng đã đạt được một số cái, rõ nhất cộng đồng, thị trường nhìn nhận là sự hồi sinh của một số dự án từng ách tắc khó khăn như Nhiệt điện Thái Bình 2, Đạm Ninh Bình... Thứ hai là trong bối cảnh khó khăn, kể cả đại dịch hay hiện nay họ vẫn hoạt động có hiệu quả, dưới góc độ nguồn vốn tăng, đóng góp ngân sách và lợi nhuận".
Chia sẻ tại tọa đàm, đại diện Bộ KH&ĐT và Ủy ban quản lý vốn đều cho rằng, các doanh nghiệp nhà nước dù đã có những đóng góp tích cực nhưng thực tế vẫn chưa phát huy hết nguồn lực, chưa phân bổ vốn vào các ngành, lĩnh vực có tính tạo động lực hay đầu tư các sản phẩm, dịch vụ trong lĩnh vực công nghệ lõi, công nghệ cao có khả năng dẫn dắt chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Vì thế, cần nâng cao hơn nữa vai trò điều phối của Ủy ban quản lý vốn trong hoạt động của các doanh nghiệp.
Hiện, Bộ KH&ĐT cũng đang đẩy nhanh thí điểm mô hình sandbox (khung thể chế thí điểm, cho phép một số doanh nghiệp thử nghiệm công nghệ mới), trong đó chọn ra một số tập đoàn, cho phép họ cơ chế tự chủ đầu tư, tự quyết lương thưởng... để đem lại lợi nhuận cao hơn cho mỗi đồng vốn bỏ ra.
Cùng với đó hoàn thiện để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án phát triển doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn, nhằm phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt cho các thành phần kinh tế khác.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.78242440172903202-tad-nad-ort-iav-yuh-tahp-nac-coun-ahn-nov-peihgn-hnaod/et-hnik/nv.vtv