Chủ yếu là vấn đề tâm lý
Tính đến ngày 26-9, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phát hành tín phiếu qua nghiệp vụ thị trường mở (OMO) để hút về khoảng 50.000 tỉ đồng.
Động thái này được đánh giá tác động một phần đến những phiên giảm mạnh thị trường chứng khoán gần đây.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bà Trần Khánh Hiền, giám đốc nghiên cứu chứng khoán MB (MBS) cho biết, khối lượng hút tiền về của Ngân hàng Nhà nước tính đến thời điểm này không phải quá cao nếu so với năm trước.
Mục tiêu chính của đợt hút tiền này, theo bà Hiền, là thúc đẩy lãi suất liên ngân hàng tăng nhẹ, giảm áp lực lên tỉ giá. Về tỉ giá, bà Hiền cho biết, dù có xu hướng tăng nhưng chưa thực sự tác động quá lớn đến vĩ mô.
"Câu chuyện ở đây chủ yếu vẫn là tâm lý lo ngại nhà đầu tư. Họ lo đảo chiều chính sách tiền tệ, lãi suất tăng trở lại. Tuy nhiên tôi cho rằng khó có khả năng này xảy ra từ nay đến cuối năm", giám đốc MBS nêu quan điểm.
Vừa qua lãi suất huy động đã giảm nhưng theo bà Hiền, lãi suất cho vay chưa giảm tương ứng, tín dụng vẫn tăng thấp. Như các mặt hàng khác, tín dụng muốn tăng trưởng cần phải "giảm giá", thay vì cho vay mức cao như hiện nay.
Vị chuyên gia nói, động thái hút tiền về của Ngân hàng Nhà nước có thể chỉ là "giải pháp tạm thời" trong lúc chờ diễn biến tiếp theo từ FED và tỉ giá như thế nào.
Ngay cả trong trường hợp tỉ giá tiếp tục tăng, Ngân hàng Nhà nước vẫn còn công cụ bán USD.
Bà Hiền chia sẻ thêm, thị trường chứng khoán luôn vận hành theo kiểu "khó giải thích".
Năm ngoái tỉ giá tăng mạnh hơn nhưng do thời điểm đó có nhiều thông tin xấu khác nên tỉ giá bớt được chú ý. Còn thời điểm này, khi yếu tố phục hồi rõ hơn, tác động từ yếu tố tỉ giá bị "khuếch đại" lên.
Khó có khả năng đảo chiều chính sách tiền tệ
Một số công ty chứng khoán khác vừa qua chung nhận định, động thái phát hành tín phiếu trở lại của Ngân hàng Nhà nước có thể được xem là một cách thức nhằm điều chỉnh trạng thái thanh khoản ngắn hạn trên hệ thống.
Việc này là hoạt động thông thường từ các ngân hàng trung ương nhằm giảm áp lực đầu cơ tỷ giá trong ngắn hạn, không đồng nghĩa đảo chiều chính sách tiền tệ.
Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chưa có sự bứt phá, lạm phát được kiểm soát, doanh nghiệp cần sự phục hồi, chuyên gia không đánh giá cao khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ đảo chiều chính sách tiền tệ.
Chuyên gia cho rằng quy định tại khoản 7, điều 8 tại thông tư 06 đang có những cách hiểu khác nhau, điều này tác động một phần tới diễn biến thị trường chứng khoán mấy phiên gần đây.