Thị trường đồng đang có những dấu hiệu bất thường, điều chưa từng thấy trong ba thập kỷ qua. Một số người coi đây là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế toàn cầu có thể đang hướng tới một giai đoạn khó khăn.
Giá đồng giao ngay trên thị trường giảm, đẩy sự chênh lệch giữa giá giao ngay và giá tương lai của đồng trên Sàn Giao dịch Kim loại London (LME) lên mức cao nhất kể từ năm 1994 trở lại đây. Điều này khiến đường cong giá đồng tương lai rơi vào trạng thái bù hoãn mua (contango). Đây là một thuật ngữ để chỉ tình huống giá tương lai của một hàng hoá cao hơn giá giao ngay.
Vài tháng qua, giá đồng đã giảm do lượng đồng chất đống trong các kho của LME trên khắp thế giới.
Các nhà phân tích cho rằng nhu cầu giảm phần lớn là do nền kinh tế Trung Quốc gặp khó khăn. Vì đây là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nên những tác động có thể lan đến tận châu Âu, Mỹ và xa hơn nữa.
Theo dữ liệu mới nhất từ LME, tính đến ngày 22/9, 163.900 tấn đồng đang nằm trong các kho lưu trữ trên khắp thế giới. Đây là mức tăng 50% so với đầu tháng 9. Dữ liệu cho thấy đồng tồn kho đã tăng kể từ giữa tháng 7.
Các nhà phân tích hàng hoá cho biết tình trạng này báo hiệu một vấn đề rất rõ ràng.
Chiến lược gia hàng hoá Ewa Manthey tại ING cho biết: “Đây là tín hiệu rõ ràng cho thấy nhu cầu suy yếu”. Nhưng vị chiến lược gia lưu ý rằng lượng hàng tồn kho vẫn ở mức thấp so với tiêu chuẩn.
Cựu chuyên gia kinh tế Dave Rosenberg của Merrill Lynch cũng đồng tình quan điểm rằng kinh tế Trung Quốc gặp khó là nguyên nhân khiến giá đồng sụt giảm. Và giá cả có thể phản ánh thương mại toàn cầu suy giảm.
Theo số liệu mới nhất từ Cơ quan Giám sát Thương mại Thế giới do Cục Phân tích Chính sách Kinh tế Hà Lan công bố, thương mại trong tháng 8 đã giảm 3,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 8/2020.
Thông thường, hoạt động thương mại suy giảm là dấu hiệu của hoạt động kinh tế suy yếu.
Nhiều năm qua, kim loại đồng được đặt biệt danh là “Doctor Cooper” (Bác sĩ Đồng). Đây là thuật ngữ chỉ khả năng giá đồng dự đoán xu hướng của nền kinh tế toàn cầu, trước khi chúng phản ánh qua những số liệu chính thức.
Đồng được ứng dụng trong nhiều sản phẩm từ công nghiệp, y tế, cho đến hệ thống dây điện trong nhà, hệ thống mái nhà, ống nước… Đây là một trong những kim loại công nghiệp được sử dụng phổ biến nhất.
Nhưng một số nhà phân tích gần đây đã đặt câu hỏi về khả năng dự đoán của đồng. Trong một báo cáo nghiên cứu công bố vào tháng 8, nhóm nghiên cứu hàng hóa của Bank of America do Michael Widmer và Francisco Blanch dẫn đầu cho biết độ nhạy của đồng đối với tăng trưởng GDP đã giảm dần.
“Là một hàng hoá có tính chu kỳ, nhu cầu về đồng luôn có mối tương quan chặt chẽ với tăng trưởng GDP toàn cầu. Nhưng độ nhạy cảm đó đang giảm dần”, nhóm nghiên cứu cho biết.
Tham khảo Market Watch