Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 13 giờ hôm nay 27.9, lũ trên sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố (Hà Tĩnh) đang xuống; lũ trên sông Bôi (Hòa Bình), các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An và hạ lưu sông La (Hà Tĩnh) đang lên.
Cụ thể, sông Cả tại Mường Xén (Nghệ An) 138,43 m, trên báo động (BĐ) 1 là 0,43 m; tại Thạch Giám (Nghệ An) 66,41 m, trên BĐ 1 là 0,41 m; các sông khác còn dưới mức BĐ 1.
Trong 24 - 48 giờ tới, mực nước đỉnh lũ trên sông Bôi, các sông ở Nghệ An và các sông nhỏ ở Thanh Hóa lên mức BĐ 1 và trên BĐ 1; hạ lưu sông Mã (Thanh Hóa), sông La còn dưới mức BĐ 1.
Theo thông tin từ Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ NN-PTNT), đến 17 giờ hôm nay, mực nước lũ trên các sông đã có sự thay đổi.
Theo đó, tại trạm Cửa Đạt, sông Chu (Thanh Hóa) 28,52 m, trên BĐ 1 là 0,52 m; trạm Lang Chánh, sông Âm (Thanh Hóa) 49,21 m, trên BĐ 1 là 0,71 m; trạm Con Cuông, sông Cả 29,37 m, trên BĐ 2 là 0,37 m; trạm Mường Xén, sông Cả 138,43 m, trên BĐ 1 là 0,43 m; trạm Thạch Giám, sông Cả 66,41 m, trên BĐ 1 là 0,41 m. Nước lũ của tất cả các sông trên vẫn đang lên.
Trong 24 - 48 giờ tới, mực nước lũ trên các sông ở Nghệ An và các sông nhỏ từ khu vực Thanh Hóa đến Hà Tĩnh ở mức lớn hơn hoặc bằng BĐ 1; hạ lưu sông Mã nhỏ hơn BĐ 1.
Trước diễn biến bất thường của mưa lũ, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đã có công điện hỏa tốc gửi Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn (PCTT - TKCN) các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh và các tỉnh miền núi phía bắc.
Trong công điện nêu rõ, từ ngày 25 - 27.9, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, khu vực Trung bộ đã có mưa to đến rất to từ 200 - 400 mm, hiện đang mở rộng ra Thanh Hóa và một số tỉnh miền núi phía bắc.
Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ và nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, đề nghị ban chỉ huy PCTT - TKCN các tỉnh khẩn trương theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.
Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp, trũng để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất.
Tổ chức lực lượng sẵn sàng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, cắm biển cảnh báo, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn.
Triển khai các biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất, phòng, chống ngập úng khu vực đô thị, khu công nghiệp.
Kiểm tra, rà soát, triển khai phương án vận hành và đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.