Định hướng chuyển dịch cơ cấu nguồn điện Việt Nam
Tại Diễn đàn “Thúc đẩy tiến trình Phát triển Năng lượng xanh, sạch và bền vững tại Việt Nam" ngày 27/9, TS. Mai Duy Thiện - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam cho rằng, việc phát triển xanh, chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải là xu hướng tất yếu, không thể đảo ngược mà Việt Nam không thể đứng ngoài, cũng là một cơ hội để phát triển, tái cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng xanh, sạch và bền vững.
Theo TS. Mai Duy Thiện, giai đoạn đến 2050, hệ thống năng lượng/hệ thống điện Việt Nam sẽ trải qua một quá trình chuyển đổi cơ bản về cơ cấu nguồn, từ chỗ chủ yếu dựa vào nguồn nhiên liệu hóa thạch chuyển sang nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sử dụng hiệu quả năng lượng.
Theo đó, trọng tâm chuyển đổi của hệ thống điện Việt Nam bao gồm: điện sạch sẽ là nguồn năng lượng chính, khai thác tối đa điện từ NLTT.
"Để thực hiện hóa được chiến lược phát triển năng lượng sạch, thời gian qua, Việt Nam đã ưu tiên đầu tư và sử dụng năng lượng tái tạo, đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia vào việc phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo", ông Thiện cho biết.
Đồng tình với ý kiến của TS. Mai Duy Thiện, ông Bùi Quốc Hùng - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, Việt Nam là một nền kinh tế năng động, với nhu cầu sử dụng năng lượng, đặc biệt là điện năng ngày càng tăng cao.
Giai đoạn 2011-2020, điện thương phẩm của Việt Nam đạt mức tăng trưởng bình quân là 9,6 %/năm. Dự kiến giai đoạn 2021-2030, mức tăng trưởng điện thương phẩm bình quân sẽ đạt 8,52 % đến 9,36 %.
Xu thế phát triển hiện nay của các nền kinh tế trên thế giới là thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh, sạch, giảm phát thải nhằm hướng đến mục tiêu trung hòa carbon. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó.
Hiện nay đã có nhiều cơ chế chính sách nhằm chuyển dịch năng lượng bền vững phù hợp với định hướng chiến lược của Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị và các cam kết của Chính phủ về giảm phát thải ròng bằng 0 tại COP26.
Ông Hùng cho hay, cam kết của Việt Nam tại COP26 được thể hiện thông qua Quy hoạch điện VIII, việc điều chỉnh lại cơ cấu nguồn điện theo từng giai đoạn tới năm 2045.
Cam kết tại COP26 cũng được thể hiện thông qua việc điều chỉnh lại cơ cấu nguồn điện theo từng giai đoạn tới năm 2050. Không xây dựng mới nhà máy nhiệt điện than sau năm 2030.
Cùng với đó, các nhà máy nhiệt điện than đã hết đời sống kinh tế và công nghệ cũ sẽ dừng hoạt động (dự kiến sau 40 năm vận hành), định hướng chuyển dần sang sử dụng nhiên liệu sinh khối/amoniac sau 20 năm vận hành. Đến năm 2050, dừng sử dụng than cho phát điện.
Ngoài ra, Quy hoạch điện VIII xác định các dự án điện gió, điện mặt trời phục vụ sản xuất hydro, không bán điện lên lưới điện quốc gia thuộc nhóm ưu tiên phát triển.
"Việc phát triển nhanh các nguồn điện năng lượng tái tạo đã bổ sung công suất và sản lượng cho hệ thống điện quốc gia, khai thác tiềm năng, lợi thế của Việt Nam, giảm phát thải khí nhà kính, huy động được vốn đầu tư xã hội, giảm lệ thuộc vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu như than, dầu, khí có nhiều biến động mạnh trong những năm qua'", ông Hùng cho hay.
Những thách thức phải vượt qua
Ông Hùng cũng cho biết, bên cạnh các thuận lợi về vị trí địa lý, tiềm năng năng lượng gió, mặt trời của Việt Nam và xu hướng giá điện gió, điện mặt trời trên thế giới đang giảm, thì nhiều thách thức đang đặt ra cho việc chuyển dịch cơ cấu nguồn điện.
Thách thức lớn nhất đối với phát triển năng lượng tái tạo nằm ở vốn đầu tư và khả năng thu xếp vốn của chủ đầu tư, trong đó, rào cản tài chính là yếu tố cản trở việc thực hiện một dự án kinh tế do thiếu tiếp cận với nguồn tài chính phù hợp.
Thách thức về việc sử dụng đất, vốn đầu tư, đấu nối, giải tỏa công suất, cơ chế chính sách là những vấn đề đáng quan tâm trong quá trình định hướng, xây dựng chính sách phát triển nguồn điện tái tạo. Cùng với đó là việc chưa có những tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống điện mặt trời, điện gió.
Năng lực và trình độ công nghệ trong nước còn hạn chế, thiếu cơ sở hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ hỗ trợ sửa chữa, bảo dưỡng, thay thế thiết bị. Tỉ lệ nội địa hóa công nghệ ngành năng lượng thấp, thiếu cơ chế hỗ trợ và thúc đẩy nội địa hóa công nghệ.
Theo đánh giá của Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, việc phát triển điện năng lượng tái tạo thời gian qua cũng đã bộc lộ một số bất cập trong công tác quy hoạch, quản lý đầu tư xây dựng và khai thác các dự án điện gió điện mặt trời; phát triển chưa đồng bộ với hệ thống truyền tải dẫn đến nghẽn mạch phải giảm phát.
Ngoài ra, tiến độ triển khai nhiều công trình lưới điện đã có trong quy hoạch phát triển điện lực đã được phê duyệt còn chậm dẫn đến quá tải cục bộ tại một số khu vực.
Để giải quyết các thách thức này, đại diện Bộ Công Thương kiến nghị, Chính phủ cần sớm phê duyệt các kế hoạch thực hiện quy hoạch làm cơ sở cho việc triển khai các dự án năng lượng.
Bên cạnh đó, các Quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia cho năng lượng tái tạo cũng cần sớm ban hành để có cơ sở áp dụng, thực hiện. Đồng thời xem xét nghiên cứu xây dựng và trình ban hành Luật năng lượng tái tạo.
Cùng với đó là việc nên có các cơ chế về giá cho các loại hình năng lượng tái tạo, nâng cao năng lực và trình độ công nghệ, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ hỗ trợ.
Đồng thời, phát triển đồng bộ nguồn và lưới điện; thực hiện đầu tư phát triển điện lực cân đối giữa các vùng, miền trên cơ sở sử dụng hợp lý, có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng sơ cấp của mỗi vùng, miền; hạn chế tối đa việc xây dựng mới các đường dây truyền tải điện liên miền.
Ngoài ra, việc tăng cường việc liên kết lưới điện với các nước trong khu vực cũng cần phải được thực hiện nhằm hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo trong nước có hiệu quả.