Theo Kinh tế & Đô thị, ngày 27/9, Uỷ ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 239/KH-UBND về công tác chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Kế hoạch nhằm triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30/12/2022 của Thành ủy Hà Nội về chuyển đổi số, xây dựng TP Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (gọi tắt là Nghị quyết số 18-NQ/TU); Nâng cao nhận thức của các cơ quan, đơn vị và mỗi cán bộ, đảng viên về vai trò, vị trí của chuyển đổi số trong phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.
Kế hoạch cũng nhằm cụ thể hóa, xác định rõ nội dung công việc gắn với phân công nhiệm vụ cụ thể và trách nhiệm đối với cơ quan, đơn vị, địa phương của TP trong việc triển khai thực Nghị quyết số 18-NQ/TU theo lộ trình phù hợp; Đồng thời, có các giải pháp tổ chức triển khai khoa học, quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, nỗ lực phấn đấu cao nhất để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra;
Tổng hợp, kế thừa toàn bộ các chỉ tiêu, nhiệm vụ về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các chương trình, kế hoạch của TP đã ban hành; Điều chỉnh, bổ sung phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo rõ việc, rõ người, rõ thẩm quyền, rõ trách nhiệm, tiến độ, kết quả.
Theo Nhân Dân, kế hoạch này đặt ra 27 chỉ tiêu về chính quyền số với 100 nhiệm vụ, bảy chỉ tiêu về kinh tế số với 77 nhiệm vụ, 14 chỉ tiêu về xã hội số với sáu nhiệm vụ và các nhiệm vụ về nghiên cứu khoa học công nghệ, hợp tác trong nước và quốc tế, đo lường giám sát triển khai, giảm thiểu tác động tiêu cực của phát triển kinh tế số, xã hội số.
Trong đó, về chính quyền số, đến năm 2025 Hà Nội đặt chỉ tiêu 100% cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ 24/7; 100% dịch vụ công trực tuyến toàn trình đủ điều kiện được tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia; 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình…
Về kinh tế số, đến năm 2025 tỉ trọng kinh tế số trong GRDP thành phố đạt khoảng 30%, tỉ lệ thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt hơn 10%, hơn 80% doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử…
Để phát triển xã hội số, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025, 80% dân số trưởng thành có điện thoại thông minh, tỉ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân đạt 50%; tỉ lệ người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử đạt 90%, 90% hộ gia đình được phủ mạng internet băng thông rộng cáp quang…
UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các đơn vị tiếp tục triển khai theo hướng tổng thể, đồng bộ, bảo đảm kết nối và chia sẻ dữ liệu số theo quy định; không phát triển các ứng dụng nhỏ lẻ, dùng riêng của một đơn vị; kế thừa các kết quả triển khai xây dựng chính quyền điện tử theo đúng quy định của thành phố từ giai đoạn trước.
Thành phố Hà Nội cũng sẽ không đầu tư trùng lặp với các nội dung xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, các nền tảng dùng chung, các hệ thống thông tin chuyên ngành, ứng dụng, dịch vụ đã được các Bộ, ngành triển khai.
UBND cấp huyện, cấp xã không đầu tư trùng lặp với các nội dung xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, các nền tảng dùng chung, các hệ thống thông tin chuyên ngành, ứng dụng, dịch vụ đã được thành phố triển khai diện rộng.
Theo Lao Động, hoà cùng xu thế chung của thế giới, Việt Nam đã đẩy mạnh việc phát triển kinh tế số. Mục tiêu vào năm 2025, kinh tế số Việt Nam sẽ chiếm 20% tổng sản phẩm quốc nội và tăng lên 30% vào năm 2030.
Sau gần 4 năm, bức tranh kinh tế số Việt Nam đã có nhiều khởi sắc. Theo chia sẻ từ ông Trần Tuấn Anh - Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương tại Diễn đàn Quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số lần thứ I với chủ đề: “Mang nền tảng số đến hộ gia đình”, diễn ra hôm 14.9 tại Nam Định, tỉ trọng đóng góp của kinh tế số Việt Nam vào GDP ngày càng tăng, từ con số 11,91% năm 2021 lên 14,26% trong năm 2022. Riêng 6 tháng đầu năm 2023, tỉ lệ này đạt 14,96%.
Ngoài ra, theo Báo cáo thường niên kinh tế số e-Conomy SEA do Google và Temasek nghiên cứu, tốc độ tăng trưởng kinh tế số Việt Nam năm 2022 lên đến 28%, dẫn đầu tại Đông Nam Á. Riêng trong năm 2022, hơn 1.400 doanh nghiệp số Việt Nam đã có doanh thu từ nước ngoài, tăng gần 20 lần so với năm 2021.
Minh Hoa (t/h)