Giá tiêu trong nước đồng loạt giảm nhẹ
Theo số liệu trên TC Thương Trường, giá tiêu hôm 27/9, thị trường trong nước khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ tiếp tục đồng loạt giảm 500 đồng/kg so với ngày hôm trước, mức giá dao động từ 69.000 đồng/kg – 72.000 đồng/kg.
Cụ thể, giá tiêu khu vực Tây Nguyên tiếp tục dao động trong khoảng 69.000 đồng/kg – 70.0000 đồng/kg. Cụ thể như, giá tiêu Chư Sê (Gia Lai) được thương lái thu mua ở mức 69.000 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg so với hôm qua. Giá tiêu Đắklắk và giá tiêu Đắk Nông được thu mua ở mức 70.000 đồng/kg, cũng giảm 500 đồng/kg.
Khu vực Đông Nam Bộ giá tiêu dao động từ 71.000 đồng/kg – 72.000 đồng/kg giảm 500 đồng/kg so với ngày hôm qua.
Trong khi đó, giá tiêu thế giới rạng sáng 27/9/2023 (giờ Việt Nam), cập nhật theo Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) giá tiêu Indonesia tiếp tục giảm nhẹ, giá tiêu các nước tiếp tục duy trì ổn định.
Trong đó, giá tiêu đen Lampung (Indonesia) giảm xuống còn 4.286 USD/tấn giảm 0,42%; giá tiêu trắng (Indonesia) giảm xuống mức 6.343 USD/tấn, giảm 0,43% so với phiên hôm qua.
Đáng chú ý, giá tiêu đen Brazil ASTA 570 tiếp tục giữ nguyên ở mức 3.350 USD/tấn; giá tiêu đen Kuching (Malaysia) ASTA giữ mức 4.900 USD/tấn; giá tiêu trắng Malaysia ASTA vẫn ở 7.300 USD/tấn.Giá tiêu đen Việt Nam xuất khẩu cũng vẫn giữ giao dịch ở mức 3.500 USD/tấn với loại 500 g/l, loại 550 g/l mức 3.600 USD/tấn; giá tiêu trắng ở mức 5.100 USD/tấn.
Thị trường hồ tiêu toàn cầu chịu sức ép
Theo số liệu từ Tổng Cục Hải quan cho thấy, từ thời điểm ngày 1/9/2023 – 15/9/2023 lượng tiêu trong nước xuất khẩu là 7.215 tấn với trị giá 26,432 triệu USD, lũy kế đến ngày 15/9/2023 là 195.274 tấn, tương đương với 641,936 triệu USD.
Đặc biệt khi tính chung 8 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu hồ tiêu đạt 188.059 tấn, tăng 17% về lượng (tương ứng 27.359 tấn) so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng do giá xuất khẩu thấp hơn cùng kỳ nên kim ngạch giảm 13,8% xuống còn 615,5 triệu USD.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC), tổng sản lượng hồ tiêu toàn cầu năm 2023 ước đạt 526 nghìn tấn, thấp hơn so với 537,6 nghìn tấn của năm 2022. Trong đó, sản lượng hồ tiêu của Việt Nam ước đạt 200.000 tấn, tăng 9,3%; sản lượng tại Brazil, Indonesia và Ấn Độ dự báo giảm so với năm 2022.
Hiện lượng hồ tiêu vụ mùa 2023 trong dân và doanh nghiệp không còn nhiều. Từ giờ đến cuối năm, hồ tiêu xuất khẩu chủ yếu từ lượng tồn kho từ các năm trước đó. Đây được cho là nguyên nhân khiến giá hồ tiêu nội địa tăng trong tháng 8/2023.
Dự báo, trong ngắn hạn thị trường hồ tiêu toàn cầu chịu sức ép từ nhu cầu của Hoa Kỳ, châu Âu và Trung Quốc yếu. Tuy nhiên, nguồn cung từ Việt Nam hạn chế tác động tích cực lên giá hồ tiêu toàn cầu.
Hiện lượng hạt tiêu xuất khẩu có nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam đã hết. Trong các tháng cuối năm nay, doanh nghiệp sẽ xuất khẩu từ lượng hàng nhập khẩu và tồn kho từ trước.
Ước tính tổng lượng hàng tồn và nhập khẩu đạt khoảng 80.000 tấn, trong khi tiêu thụ nội địa khoảng 10.000 tấn và lượng hàng tồn chuyển qua năm sau khoảng 30.000 tấn, thì sẽ còn lại khoảng 50.000 tấn để xuất khẩu cho các tháng cuối năm nay.
Dự báo, thời gian tới, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam sẽ duy trì mức thấp
Trước những biến động của thị trường trên thế giới, dự báo, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam thời gian tới sẽ duy trì mức thấp. Nguồn cung nội địa không còn dồi dào, nhu cầu từ các thị trường Hoa Kỳ, EU và Trung Quốc chưa thực sự khởi sắc.
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này với báo Công Thương, bà Nguyễn Thị Huyền – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất và Xuất khẩu quế hồi (Vinasamex) cho biết, do tác động của đại dịch, lạm phát khiến nhu cầu tiêu dùng nhiều loại nông lâm thủy sản tại các thị trường như EU, Hoa Kỳ bị sụt giảm. Tuy nhiên, nhu cầu của các sản phẩm gia vị của Việt Nam nói chung và hồ tiêu nói riêng dù có giảm đôi chút nhưng các doanh nghiệp không bị ảnh hưởng nhiều.
Nguyên nhân do, nhóm ngành hàng của Việt Nam thông thường không chỉ phục vụ cho nhóm các ngành hàng gia vị mà trong đó họ còn sử dụng trong nhiều công dụng khác nhau.
Đáng chú ý, Việt Nam có thế mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp và đặc biệt gia vị của Việt Nam do điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng đã tạo nên hương và vị trong hồ tiêu, quế, hoa hồi có những sự khác biệt so với các thị trường khác trên thế giới.
“Trong quế có thành phần procyanidins và acid cinnamic, đây là 2 thành phần để làm thuốc chống đột quỵ và thuốc kháng viêm. Ở hoa hồi người ta còn tìm thấy các thành phần có chứa hàm lượng axit shikimic nhất định, thành phần này giúp đại hồi có tác dụng kháng vi rút mạnh mẽ. Axit shikimic còn được biết đến với vai trò là thành phần chính trong Tamiflu – một loại thuộc chuyên dùng để trị cảm cúm. Đối với sản phẩm hồ tiêu, trên bàn ăn toàn thế giới không thể thiếu vắng lọ hồ tiêu”, bà Nguyễn Thị Huyền chia sẻ.
Đặc biệt với thị trường EU, theo bà Nguyễn Thị Huyền, hiện Việt Nam đang có Hiệp định EVFTA và các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu và cây gia vị đang được hưởng lợi rất nhiều từ Hiệp định này.
“Rất nhiều khách hàng EU đã chuyển đổi mua từ thị trường Indonesia, Trung Quốc,… sang mua của Việt Nam để hưởng lợi thuế nhập khẩu xuống 0%”, bà Nguyễn Thị Huyền nhấn mạnh.
Trong bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) khuyến nghị các doanh nghiệp cần cẩn trọng trước rủi ro trong thương mại quốc tế. Theo đó, tình trạng giao dịch có dấu hiệu gian lận thương mại và lừa đảo không chỉ xuất hiện tại châu Phi mà còn có ở châu Âu và đặc biệt là tại thị trường Trung Đông như Dubai gần đây với những thủ đoạn ngày càng tinh vi. Có trường hợp là đối tác lâu năm vẫn bị lừa, hoặc đối tác thanh toán sòng phẳng lô hàng đầu tiên nhưng lừa đảo ở các lô hàng tiếp theo, với các nhà xuất khẩu khác nhau. Do đó, các doanh nghiệp cần đặc biệt cẩn trọng khi giao dịch với đối tác, đàm phán chặt chẽ điều khoản thanh toán để bảo đảm an toàn nhất.
Trúc Chi (t/h)