Cha mẹ Kiệt làm nông nuôi con đi học đại học đã khó, gồng gánh thêm chi phí điều trị ung thư của con gái thành ra kiệt quệ, tưởng chừng không gượng nổi để lo cho Kiệt được đến giảng đường.
Bi kịch giáng xuống bất ngờ
Gặp bà Lê Thị Tường Vy - mẹ Kiệt, nhìn đôi mắt trũng sâu, hốc hác, vóc người gầy gò, chúng tôi thấy như bao tuổi đời đang chất chồng thêm ở người phụ nữ mới gần 50 ấy. Mẹ Kiệt cho hay bệnh tình chị gái của Kiệt lại trở nặng, nên phải đưa con vào Bệnh viện Trung ương Huế điều trị. Nhưng do không có tiền nên bà đành phải để con lại, còn mình quay về nhà ở Quảng Trị cho đỡ chi phí sinh hoạt.
Ngôi nhà nhỏ đơn sơ nằm trong góc xóm sát ruộng. Vách tường lỗ chỗ nhiều mảng chưa kịp tô trét. Hai vợ chồng bà Vy từng nghĩ nhà tuy nghèo nhưng vậy là đủ khi thấy hai con đều chăm ngoan học giỏi. Kiệt liên tục là học sinh giỏi suốt từ cấp một đến cấp hai, còn chị gái đậu vào Đại học Ngoại ngữ Huế với số điểm cao.
Nhưng những ngày bình yên đã nổi sóng vào một ngày cách đây hơn hai năm, chị gái Kiệt bỗng nhiên phát hiện bất ổn ở vùng cổ. Lúc ấy, chị của Kiệt đang là sinh viên Đại học Ngoại ngữ Huế.
Dấu hiệu ngày càng nghiêm trọng dần nên vợ chồng bà Vy đã đưa con đến Bệnh viện Trung ương Huế khám. Và kết quả đã làm hai vợ chồng ngã quỵ. Cô con gái mang tế bào ung thư hạch giai đoạn 2. "Tui choáng váng. Đã bệnh rồi, còn là bệnh nan y…" - bà Vy nhớ lại.
Thời điểm đó Kiệt đang học lớp 10.
Suy sụp. Nhưng hai vợ chồng vẫn gắng gượng dậy. Tiền vay ngân hàng cho con gái đi học đại học suốt mấy năm chưa kịp trả. Cả hai phải chạy vạy khắp xóm làng bà con, mỗi người một ít đưa con vô Huế hóa trị. Niềm vui như chùng xuống trong ngôi nhà nhỏ.
Rồi sau đợt điều trị, người con gái dần ổn định và cố gắng học hết năm cuối đại học để ra trường.
Thấy con ổn dần, hai vợ chồng vơi bớt chút nỗi buồn lâu nay trĩu nặng như đá tảng. Vậy mà bi kịch lại lần thứ hai ập đến. Con gái tái phát với những biến chứng nghiêm trọng hơn. Và lại ngay thời điểm Kiệt sắp thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Vợ chồng bà Vy rối như tơ vò. Kiệt cần học đại học để có tương lai. Nhưng con gái cũng phải được điều trị kịp thời để níu giữ hy vọng.
Rồi Kiệt đậu đại học, trúng tuyển vào ngành kỹ thuật máy tính, thuộc Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng.
"Hai vợ chồng đã bàn nhau cho Kiệt đi bộ đội, rồi đi học sau để đỡ tiền. Nhưng con gái chúng tôi không chịu, Kiệt là hy vọng của cả nhà, Kiệt phải đi học đại học bằng mọi giá. Thậm chí kể cả việc chị tạm hoãn việc chữa bệnh", bà Vy kể trong tiếng nấc.
Cùng níu giữ hy vọng
Trước ngày con nhập học, hai vợ chồng đã bán hai phần số lúa vừa thu hoạch. Bà Vy mượn thêm hàng xóm 4,5 triệu đồng mới đủ cho con nộp tiền trường đầu năm.
Người cha trước có nghề may tại nhà. Nhưng nay mắt yếu, khách cũng ít dần nên ông không làm nữa. Để gom góp cho con đi học, ông đã nhận đủ việc làm thuê cho người làng. Những ngày này ông còn tập đi phụ hồ. "Giờ không còn cách nào khác. Phải lo cho con đi học. Rồi còn phải chuẩn bị thêm tiền cho con gái đi chữa bệnh lần hai", ông Mai Văn Thiện - cha của Kiệt - nói.
Kiệt hiểu hoàn cảnh của mình nên ngay khi vào nhập trường đã tìm việc làm thêm. Kiệt cũng ở ký túc xá để tiết kiệm tiền cho ba mẹ. "Hiện em đã xin được chỗ làm ở một quán cà phê gần ký túc xá. Em sẽ tự lập để bớt gánh nặng cho ba mẹ", Kiệt nói.
Không phải đến bây giờ Kiệt mới biết chia sẻ với khó khăn của gia đình. Từ khi chị mang bạo bệnh, Kiệt đã ý thức được trách nhiệm của mình. Buổi đi học, buổi Kiệt ra đồng bắt ốc về cho mẹ nuôi vịt. Kiệt cũng không nề hà chuyện đồng áng cùng cha.
Và dẫu đường còn gập ghềnh nhưng gia đình nhỏ ấy đang gắng níu giữ hy vọng, cùng nhau mong có thể vượt qua sóng gió.
Ba năm cấp ba, Mai Tuấn Kiệt luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi của Trường THPT Vĩnh Định. Năm lớp 12, Kiệt xuất sắc giành giải nhì kỳ thi học sinh giỏi toán cấp tỉnh với số điểm chỉ thua người đứng đầu 0,25.
Cô Hoàng Thị Hòa, giáo viên chủ nhiệm lớp 12 của Kiệt, nói hoàn cảnh của Kiệt không được may mắn như các bạn. Bù lại Kiệt rất chăm học và học rất giỏi. "Nhà trường hiểu hoàn cảnh của Kiệt nên có học bổng đều ưu tiên dành cho em một phần để em có thêm động lực vượt qua khó khăn", cô Hòa nói.
Tận cùng nỗi đau là những mầm xanh
Than phận khó là câu mà người Quảng Trị bao đời nay vẫn thường nói để động viên nhau vượt qua gian khó. Với Trần Đình Duy và Võ Thị Thảo Quỳnh thì dường như những đau thương mất mát đã trở thành động lực để vượt qua khó khăn.
Trần Đình Duy mất cha khi chỉ mới tròn 1 tuổi. Một mình mẹ xoay xở đủ nghề nuôi hai chị em tại thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong, Quảng Trị.
Đến năm Duy học lớp 7, mẹ Duy làm ăn thua lỗ, bỏ đi biệt xứ. Hai chị em Duy phải về ở nhờ nhà bà ngoại. Được thêm một thời gian ngắn, bà ngoại Duy bị tai biến phải nằm một chỗ. Chị gái Duy cũng đi học đại học.
Ngôi nhà còn lại một già một trẻ nương tựa nhau. Nhưng bà không thể tự lo được sinh hoạt, nên một người bác đã đến đưa bà về nhà mình để tiện chăm nuôi
Duy bơ vơ… Không còn ai để bấu víu, Duy phải tự đứng bằng đôi chân mình. Buổi đi học, về nhà cậu học trò tự lo cơm nước rồi kiếm việc đi làm thuê. Duy xin đi theo người bà con phụ hồ và bốc vác.
Cách đây 5 năm, một tai nạn giao thông đã cùng lúc cướp đi cả cha mẹ, và người em trai út của Võ Thị Thảo Quỳnh (xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị). Quỳnh khi đó mới vào lớp 9, phải vừa làm cha, vừa làm mẹ hai đứa em thơ dại.
Thương ba chị em côi cút, bà nội đã 80 tuổi dọn về ở với cháu cho bớt quạnh quẽ.
"Với em mọi thứ đều là mình phải tự lo hết, từ việc học đến việc gia đình… Bà em thì già rồi. Hai em còn nhỏ. Em muốn tập trung vô việc học, cố gắng học tập để sau này ra trường có một công việc ổn định để có thể tự lo cho chính mình và hai em của em" - Thảo Quỳnh nói.
Ngày mai, báo Tuổi Trẻ trao học bổng Tiếp sức đến trường năm 2023 đợt đầu tiên
Ngày mai, 29-9, báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Tỉnh đoàn Quảng Trị, Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Trị tổ chức lễ trao học bổng Tiếp sức đến trường dành cho 120 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của Quảng Trị.
Tổng kinh phí chương trình hơn 1,94 tỉ đồng (chưa bao gồm kinh phí hỗ trợ đi lại, ăn ở và quà tặng từ chương trình), do Câu lạc bộ Nghĩa tình Quảng Trị tài trợ và Công ty cổ phần Bình Điền Quảng Trị đã tài trợ chi phí tổ chức và phát sóng. Mỗi suất học học bổng trị giá 15 triệu đồng tiền mặt.
Công ty TNHH Nestlé Việt Nam đã tài trợ quà tặng cho tân sinh viên, Quỹ Khuyến học Vincam - Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam tài trợ 4 laptop cho tân sinh viên đặc biệt khó khăn còn thiếu thiết bị học tập.
Đây là điểm trao đầu tiên trong chương trình học bổng Tiếp sức đến trường năm 2023 dành cho tân sinh viên thuộc chương trình Vì ngày mai phát triển lần thứ 567 của báo Tuổi Trẻ.
Chương trình Tiếp sức đến trường đã trải qua "20 mùa vượt khó cùng tân sinh viên". Đây cũng là năm 20 với tinh thần người đi trước nâng bước người đi sau đã tạo nên những giá trị nhân văn hết sức sâu sắc cho chương trình "Tiếp sức đến trường" tại Quảng Trị.
Sau 20 mùa "Tiếp sức đến trường", từ 33 tân sinh viên của Quảng Trị có hoàn cảnh khó khăn đầu tiên được tiếp sức, đến nay Câu lạc bộ Nghĩa tình Quảng Trị đã tiếp sức cho 2.686 tân sinh viên với tổng kinh phí học bổng hơn 25 tỉ đồng.
Trong ngoài 120 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của Quảng Trị, chương trình Tiếp sức đến trường năm 2023 của báo Tuổi Trẻ dành cho tân sinh viên còn được tổ chức trao theo các khu vực: miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long; các tỉnh, thành phía Bắc và Bắc Trung Bộ.
Chương trình được sự đóng góp, ủng hộ của: Quỹ "Đồng hành nhà nông"- Công ty cổ phần phân bón Bình Điền, Quỹ khuyến học Vinacam - Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam và các Câu lạc bộ "Nghĩa tình Quảng Trị", Phú Yên; Câu lạc bộ "Tiếp sức đến trường" Thừa Thiên Huế, Quảng Nam - Đà Nẵng, Tiền Giang - Bến Tre và CLB Doanh nhân Tiền Giang, Bến Tre tại TP.HCM cùng các doanh nghiệp và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ…
Ngoài ra, Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam còn tài trợ 50 máy tính xách tay cho tân sinh viên đặc biệt khó khăn, thiếu thiết bị học tập trị giá khoảng 600 triệu đồng, Hệ thống Anh văn Hội Việt Mỹ tặng 50 suất học bổng ngoại ngữ miễn phí trị giá 625 triệu đồng, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam tài trợ 1.500 ba lô trị giá khoảng 230 triệu đồng...
Nhiều trường đại học tại TP.HCM cho biết sẵn sàng sát cánh cùng hành trình cất bước đến giảng đường với tân sinh viên khó khăn của chương trình Tiếp sức đến trường.