Theo báo cáo tài chính (BCTC) năm 2022, Công ty CP Xi măng Công Thanh (Xi măng Công Thanh) còn nợ Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank) khoảng 7.000 tỷ đồng. Đây là khoản nợ bao gồm các hợp đồng cho vay và các khoản nợ liên quan trái phiếu phát hành của Xi măng Công Thanh từ năm 2009 và 2010.
Để được Vietinbank cấp vốn hàng nghìn tỷ đồng, Xi măng Công Thanh đã phải sử dụng nhiều tài sản đảm bảo, trong đó bao gồm nhiều tài sản hữu hình và vô hình của đơn vị, các dự án và nguồn thu hình thành trong tương lai... và cả các tài sản từ bên thứ 3.
Cụ thể, Xi măng Công Thanh sử dụng các tài sản của công ty để đảm bảo cho khoản vay với Vietinbank bao gồm: Quyền sử dụng đất (QSDĐ) công trình xây dựng, máy móc thiết bị và phương tiện vận tải của dự án dây chuyền 1; cổ phần vốn góp của các cổ đông sáng lập công ty; quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên tại mỏ đá vôi, đất sét; máy móc thiết bị, công trình xây dựng trên đất của nhà máy thu hồi nhiệt; hệ thống máy rót hàng tự động dây chuyền 1; hàng tồn kho luân chuyển; quyền đòi nợ luân chuyển; phương tiện vận tải…
Ngoài các tài sản của công ty, các tài sản từ bên thứ 3 cũng được dùng để bảo lãnh cho khoản vay của Xi măng Công Thanh bao gồm: cổ phần vốn góp của ông Nguyễn Công Lý (Chủ tịch HĐQT) tại các công ty nhóm Xi măng Công Thanh; 3 bất động sản thuộc sở hữu của ông Nguyễn Công Lý và bà Nguyễn Thị Huệ; 1 bất động sản thuộc quyền sở hữu của bà Nguyễn Thị Dạ Thảo (con gái ông Lý) và 1 bất động sản thuộc sở hữu công ty TNHH Tina.
Tuy nhiên, trong các năm qua, Xi măng Công Thanh liên tiếp ghi nhận kết quả sản xuất kinh doanh rất ảm đạm. Lũy kế tại ngày 31/12/2022, Xi măng Công Thanh ghi nhận lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm hơn 6.079 tỷ đồng. Với việc kinh doanh thua lỗ triền miên mỗi năm cả nghìn tỷ đồng, trong khi đó giá trị các tài sản đảm bảo như tài sản cố định, hàng tồn kho, vật tư, giá trị xây dựng cơ bản dở dang... thường bị ảnh hưởng bởi yếu tố hao mòn, biến động thị trường… dẫn tới các tài sản đảm bảo này của Xi măng Công Thanh thường sẽ có xu hướng sụt giảm giá trị theo thời gian.
Đồng thời, theo số liệu ước tính và đánh giá của Bộ Xây dựng cho thấy, thời gian qua và tới đây, ngành xi măng sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2023 ngành, sản lượng sản xuất xi măng ước đạt 39 triệu tấn, giảm 7%, tiêu thụ đạt 43 triệu tấn, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó, tiêu thụ nội địa đạt 29 triệu tấn, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2022. Ước tính cả năm nhu cầu tiêu thụ xi măng nội địa chỉ đạt 65 triệu tấn, so với tổng công suất, lượng xi măng sản xuất ra dư thừa một nửa.
Như vậy, với bức tranh tài chính và diễn biến thị trường hiện nay, dự đoán có nhiều khó khăn phía trước đang chờ đợi Xi Măng Công Thanh, từ đó kéo theo kế hoạch thu hồi nợ của Vietinbank cũng sẽ ngày càng khó khăn hơn nếu thời gian tới Xi măng Công Thanh không có sự đột phá trong hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc cơ cấu thượng tầng của công ty.
Về phía Vietinbank, theo tìm hiểu của Người Đưa Tin, đối với khoản nợ tại Xi măng Công Thanh, ngân hàng này đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) theo thông báo từ năm 2018. Sau khi thực hiện cơ cấu kế hoạch trả nợ, Vietinbank được VAMC ủy quyền thực hiện việc đòi nợ, thu hồi nợ gốc và lãi, quản lý tất cả các khoản nợ mà VietinBank đã bán lại cho VAMC, xử lý tài sản đảm bảo.
Theo BCTC 6 tháng đầu năm 2023, ngân hàng Vietinbank ghi nhận tổng tài sản đạt 1,86 triệu tỷ đồng, tăng 2,9% so với cuối năm 2022. Dư nợ tín dụng và tiền gửi Khách hàng lần lượt đạt 1,36 triệu tỷ đồng, tăng 6,6% và 4,9% so với cuối năm 2022. Tỷ lệ CASA của VietinBank trong quý II/2023 có sự cải thiện từ mức 18,06% trong quý I/2023 lên mức 18,74%.
Thu nhập lãi thuần trong kỳ của Vietinbank đạt 24,5 nghìn tỷ đồng, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng ghi nhận 12,5 nghìn tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2022. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng ghi nhận 13,2 nghìn tỷ đồng, tăng gần 3.000 tỷ so với cùng kỳ.
Về chất lượng nợ cho vay, tính tới cuối quý II/2023, trong 1,36 triệu tỷ đồng, Vietinbank có 1,306 triệu tỷ đồng nợ tiêu chuẩn, nợ cần chú ý là 35,1 nghìn tỷ đồng, nợ dưới tiêu chuẩn là 8,4 nghìn tỷ đồng, nợ nghi ngờ 3,4 nghìn tỷ đồng và nợ có khả năng mất vốn là 5,4 nghìn tỷ đồng. Tính đến 30/06/2023, tỷ lệ nợ xấu được duy trì ở mức 1,27% trong khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu là 169%.
Trong các năm qua, Xi măng Công Thanh liên tiếp ghi nhận kết quả sản xuất kinh doanh kém hiệu quả. Cụ thể, năm 2022 Công ty CP Xi măng Công Thanh ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ hơn 1.595 tỷ đồng, giảm khoảng 900 tỷ so với mức 2.500 tỷ cùng kỳ năm trước và lợi nhuận trước thuế công ty âm 1.181,7 tỷ đồng. Lũy kế tại 2022, Xi măng Công Thanh ghi nhận lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm hơn 6.079 tỷ đồng.
Việt Phương