Vừa qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đưa ra hai phương án nghỉ Tết âm lịch 2024, đều kéo dài 7 ngày liên tục. Theo thông lệ, cơ quan này sẽ lấy kiến các bộ ngành liên quan trước khi trình Chính phủ quyết định.
Thắc mắc năm nào cũng lấy ý kiến lịch nghỉ Tết
Cụ thể, cán bộ, công chức, viên chức nghỉ từ 29 tháng chạp (tức 8-2-2024) đến mùng 5 tháng giêng (ngày 14-2-2024) hoặc từ 30 tháng chạp (9-2-2024) đến mùng 6 tháng giêng (15-2-2024).
Về việc này, nhiều bạn đọc chia sẻ tại sao không quy định "cứng" nghỉ Tết từ 28 tháng chạp mà phải xin ý kiến nhiều bộ ngành liên quan hằng năm. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến bày tỏ việc này mất thời gian, tiền bạc vì phải tổng hợp ý kiến nhiều đơn vị, bộ ngành.
Ví dụ, bạn đọc Lê Văn Vinh chia sẻ: “Năm nào cũng bàn chuyện nghỉ Tết. Thống nhất luôn 7 ngày, từ ngày mấy đến ngày mấy. Ai có ngày nghỉ thêm thì cơ quan tự tính. Đừng để năm nào cũng bàn”.
Còn bạn đọc Da Nang nhìn nhận lịch âm và lịch dương lệch nhau do đó lịch nghỉ Tết mỗi năm khác nhau nên việc điều chỉnh giúp người lao động được nghỉ liên tục. Chẳng hạn, nghỉ Tết trúng thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ năm nhưng thứ sáu đi làm rồi lại nghỉ thứ bảy, chủ nhật rất bất tiện.
Tại sao không quy định "cứng" nghỉ Tết?
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện Cục An toàn lao động (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cơ quan soạn thảo - cho biết khoản 3, điều 112 của Bộ luật Lao động 2019 nêu rõ tùy điều kiện thực tế, Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể lịch nghỉ Tết âm lịch và Quốc khánh 2-9. Do vậy, nếu quy định “cứng” lịch nghỉ Tết thì phải sửa luật.
Trước khi Bộ luật Lao động năm 2019 có hiệu lực, quy định nghỉ Tết âm lịch vẫn là 5 ngày. Chẳng hạn, 1 ngày trước Tết và 4 ngày sau Tết hoặc 2 ngày trước Tết và 3 ngày sau Tết.
Theo vị này, đề xuất lịch nghỉ Tết âm lịch của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng tới khối công chức, viên chức nhà nước. Trong khi đó, doanh nghiệp được khuyến khích áp dụng, chứ không phải bắt buộc như nhiều người vẫn nghĩ.
Như vậy, các doanh nghiệp có quyền tự quyết lịch nghỉ Tết âm lịch theo kế hoạch sản xuất, kinh doanh song phải thông báo trước khi thực hiện ít nhất 30 ngày để người lao động chủ động mua vé tàu, xe, sắp xếp công việc.
Về ý kiến tại sao không quy định "cứng" nghỉ từ ngày 28 tháng chạp, vị này cho rằng nếu quy định “cứng” 5 ngày nghỉ Tết âm lịch bắt đầu từ 28 hoặc 29 Tết thì sẽ gây nhiều hệ lụy. Ví dụ, nếu cố định ngày nghỉ vào 28 tháng chạp, ngày đó rơi vào thứ ba, viên chức vẫn phải đi làm vào thứ hai dẫn tới nghỉ gián đoạn. Bên cạnh đó, những người xa quê gặp khó trong lên kế hoạch mua sắm Tết, di chuyển hoặc lên kế hoạch nghỉ dưỡng dài ngày.
Ngoài ra, chuyên gia này cho biết không có việc nghỉ Tết 7 ngày hoặc 9 ngày. Ví dụ, Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, công chức, viên chức được nghỉ 9 ngày liền là do 5 ngày nghỉ Tết ở giữa 4 ngày nghỉ cuối tuần (thứ bảy, chủ nhật của tuần trước và sau Tết). Do đó nhiều người hiểu lầm nghỉ Tết tới 9 ngày.
Bên cạnh đó, đại diện Cục An toàn lao động khẳng định việc lấy ý kiến không phát sinh chi phí do cơ chế liên thông văn bản hoặc làm khó doanh nghiệp như nhiều ý kiến trên mạng xã hội.
Bộ Nội vụ và Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đồng ý với phương án nghỉ Tết Nguyên đán năm 2024 mà Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lựa chọn, theo đó thời gian nghỉ kéo dài 7 ngày (từ 29 tháng chạp đến mùng 5 tháng giêng).
Qua khảo sát bạn đọc của Tuổi Trẻ Online, gần 800 bình chọn về phương án nghỉ từ 29 tháng chạp đến mùng 5 tháng giêng, tức phương án 1. Trong khi đó, trên 160 bình chọn phương án nghỉ Tết Nguyên đán 2024 từ 30 tháng chạp đến mùng 6 tháng giêng.
Bộ Nội vụ đồng tình với phương án nghỉ Tết Nguyên đán 2024 trong 7 ngày liên tiếp từ 29 tháng chạp theo đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.