Ba phi hành gia trở về Trái đất
Hãng thông tấn AFP đưa tin, Cơ quan vũ trụ Roscosmos (Nga) mới đây thông báo, hai phi hành gia người Nga và một phi hành gia người Mỹ đã trở lại Trái đất hôm 27/9 sau một năm nghiên cứu trên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS).
"Các phi hành gia Roscosmos Sergei Prokopyev và Dmitry Petelin cùng phi hành gia NASA Francisco Rubio, sau một năm trên ISS, đã hạ cánh gần thành phố Jezkazgan ở Kazakhstan", Roscosmos cho biết.
Tàu vũ trụ Soyuz MS-23 chở ba phi hành gia đã đáp xuống Trái đất lúc 11h17 (giờ quốc tế).
Roscosmos cho biết, hai phi hành gia Prokopyev và Petelin đã trải qua "370 ngày, 21 giờ và 22 phút trong không gian, hành trình dài nhất trên dự án ISS".
NASA cũng xác nhận việc hạ cánh.
"Frank Rubio đã trở lại Trái đất sau 371 ngày", NASA thông báo trên X, trước đây gọi là Twitter.
Ba phi hành gia đã bay lên trạm ISS bằng tàu vũ trụ Soyuz của Nga vào năm ngoái, trong một sứ mệnh chỉ kéo dài sáu tháng.
Nhưng sau đó, Soyuz bị rò rỉ, có lẽ do va chạm từ một thiên thạch nhỏ nên Moscow đã gửi một tàu khác thay thế. Sự cố này khiến các phi hành gia phải ở ngoài vũ trụ thêm 6 tháng nữa.
Roscosmos tán dương NASA
Trước đó, hồi cuối năm 2022, người đứng đầu cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos Yury Borisov đã ca ngợi sự hợp tác Nga-Mỹ trên ISS sau vụ rò rỉ chất làm mát lớn từ khoang phi hành đoàn tàu vũ trụ Soyuz.
"Hãy gửi lời chào tới toàn bộ đội Mỹ. Họ đã chứng tỏ mình rất đáng trân trọng trong tình huống này và đã giúp đỡ chúng tôi", ông Borisov phát biểu trong cuộc nói chuyện với phi hành đoàn Nga trên ISS. "Nhưng tôi hy vọng chúng tôi sẽ tự xoay xở được trong tương lai".
Roscosmos và NASA cho biết, vụ rò rỉ từ tàu vũ trụ Soyuz không gây nguy hiểm gì cho những người trên ISS.
Theo AFP, không gian vẫn là lĩnh vực hợp tác hiếm hoi giữa Moscow và Washington kể từ khi xung đột Ukraine bùng nổ và sau đó là các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga.
ISS được phóng vào năm 1998 vào thời điểm Mỹ-Nga tăng cường hợp tác sau cuộc cạnh tranh trong cuộc đua không gian thời kỳ Chiến tranh Lạnh.