3 trường đại học và đại học Việt Nam rớt hạng
Ngày 28-9, tổ chức xếp hạng Times Higher Education (THE) của Anh đã công bố kết quả xếp hạng đại học thế giới 2024 (THE WUR 2024). Đây là kỳ xếp hạng có số cơ sở giáo dục đại học tham gia nhiều nhất với 2.673 đơn vị từ 127 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Việt Nam tiếp tục có 6 đại diện được xếp hạng, gồm: Trường đại học Duy Tân, Trường đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Huế và Đại học Quốc gia TP.HCM.
Thứ hạng các trường đại học Việt Nam trên bảng xếp hạng THE WUR 2024
Theo kết quả được công bố, Trường đại học Duy Tân và Trường đại học Tôn Đức Thắng cùng nằm trong nhóm 601 - 800 thế giới, tiếp tục dẫn đầu các trường đại học Việt Nam, nhưng đã tụt hạng so với vị trí 401 - 500 của năm 2023.
Đại học Quốc gia Hà Nội được xếp hạng ở nhóm 1.201 - 1.500 trong số 1.904 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng (năm ngoái đại học này nằm trong nhóm 1.001 - 1.200).
Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Huế cùng xếp thứ 1.501+, giữ nguyên thứ hạng, so với năm ngoái.
Trong kỳ xếp hạng này, Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp tục củng cố vị thế trong hoạt động đào tạo khi tiêu chí giảng dạy ở vị trí thứ nhất Việt Nam với 20,9 điểm (thang điểm 100, tăng 2,2 điểm so với kỳ xếp hạng THE WUR 2023).
Tiếp theo sau là Đại học Bách khoa Hà Nội (15,7 điểm), Đại học Quốc gia TP.HCM (14,6 điểm), Đại học Huế (13,3 điểm), Trường đại học Tôn Đức Thắng (12,9 điểm) và Trường đại học Duy Tân (12,1 điểm).
Trong khi Trường đại học Tôn Đức Thắng và Trường đại học Duy Tân có thế mạnh ở chất lượng nghiên cứu (research quality) với 90,6 và 87,5 điểm, hơn hẳn các đơn vị khác như Đại học Huế (16,4 điểm), Đại học Bách khoa Hà Nội (46,8 điểm).
Tuy cách biệt khá lớn trong chất lượng nghiên cứu, nhưng về môi trường nghiên cứu (research environment), các trường đại học Việt Nam hầu như không chênh lệch quá nhiều, dao động trong khoảng 8,7 - 16/100 điểm.
Kết quả các tiêu chí xếp hạng của THE WUR 2024 được phân tích từ hơn 134 triệu trích dẫn của 16,5 triệu công bố khoa học trên cơ sở dữ liệu Scopus và dữ liệu khảo sát 68.402 học giả trên toàn thế giới.
Đáng chú ý, Trường đại học Mở TP.HCM lần đầu vào bảng xếp hạng đại học thế giới này, nhưng với trạng thái "reporter" (nhóm được báo cáo). Điều này đồng nghĩa đơn vị này cùng 768 tổ chức khác đều chưa có thứ hạng vì chỉ đạt được một số tiêu chí nhất định, chứ không đáp ứng đủ yêu cầu, nhưng đang nỗ lực để được xếp hạng (theo lý giải của THE).
Đánh giá xếp hạng theo bộ tiêu chí mới gồm 18 tiêu chí
Trong kỳ xếp hạng THE WUR 2024, tổ chức xếp hạng THE đã sử dụng bộ tiêu chí mới (THE WUR 3.0) bao gồm 18 tiêu chí đánh giá ở 5 nhóm tiêu chí: giảng dạy, môi trường nghiên cứu, chất lượng nghiên cứu, chuyển giao và mức độ quốc tế hóa.
So với phương pháp xếp hạng trước đây, THE WUR 3.0 đã gia tăng số lượng tiêu chí đánh giá từ 13 tiêu chí lên 18 tiêu chí, gồm:
Cũng theo kết quả của THE WUR 2024, top 5 cơ sở giáo dục đại học hàng đầu thế giới là Đại học Oxford, Đại học Stanford, Viện Khoa học kỹ thuật Massachusetts, Đại học Havard và Đại học Cambridge.
Ở khu vực châu Á, các cơ sở giáo dục đại học top đầu bao gồm: Đại học Tsinghua và Đại học Peking (Trung Quốc), Đại học Quốc gia Singapore, Đại học Tokyo, Đại học Kỹ thuật Nanyang - Singapore, Đại học Hong Kong.
TTO - Làn sóng các đại học lớn rút khỏi bảng xếp hạng US News - vốn thường được xem là một trong số các bảng xếp hạng uy tín nhất toàn cầu - vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại.