Nhiều siêu thị và cửa hàng tạp hóa nhỏ tại Malaysia đang trống kệ vì các bao gạo trắng nội địa loại 5 kg và 10 kg được khách hàng mua ngay khi có hàng. Ameer Ali Mydin, CEO chuỗi siêu thị Mydin, cho biết tình trạng thiếu hụt là do chênh lệch giá giữa gạo sản xuất trong nước và nhập khẩu ngày càng cao.
"Tình trạng thiếu hụt xảy ra là do người dân lo lắng khi thấy giá chênh lệch. Họ đổ xô mua và tích trữ. Vì ai cũng mua thêm một, hai bao nên nếu vài trăm nghìn người mua thêm một bao gạo thì rất nhiều tấn sẽ hết", ông nói.
Ở Malaysia, gạo trắng nội địa là mặt hàng được kiểm soát với giá trần ở mức 26 ringgit (5,54 USD) mỗi 10 kg. Tuy nhiên, ngành sản xuất gạo chỉ có thể đáp ứng 70% nhu cầu. Do đó, nước này nhập gạo trắng chủ yếu từ Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan, Việt Nam và Campuchia.
Gạo nhập khẩu nhìn chung đắt hơn nội địa kể từ trước khi giá toàn cầu tăng gần đây. Khoảng cách càng mở rộng đáng kể sau khi Padiberas Nasional (Bernas), tập đoàn kiểm soát việc phân phối, quyết định tăng giá bán lẻ gạo nhập khẩu lên 36% từ 1/9 để phù hợp với đà tăng giá toàn cầu. Hiện giá gạo trắng nhập khẩu đang bán ở mức từ 30 đến 70 ringgit (6,37 đến 14,87 USD) cho 10 kg.
Động thái tăng giá khiến nhu cầu tiêu thụ gạo giá rẻ nội địa tăng vọt. Kumaran, 57 tuổi, công nhân xây dựng ở thành phố Subang Jaya vào cuối tháng 9, đã phải vật lộn để mua được gạo trắng trong nước. "Bạn không thể tìm thấy gạo địa phương nào cả. Nếu tình trạng này tiếp diễn, mọi người sẽ bị ảnh hưởng", ông nói.
Vani, bà nội trợ 54 tuổi, than thở: "Thật khó để tìm được những bao gạo nội địa rẻ hơn trong siêu thị". Theo bà, tiền thực phẩm hàng tháng của gia đình đã tăng từ 20% đến 30%, chưa kể tiền bánh quy và dầu ăn cũng leo thang.
Thời tiết khô hạn do El Nino cũng ảnh hưởng đến sản xuất lúa của Malaysia năm nay. Một số nhà hàng và quán ăn đang phải chịu chi phí giá gạo tăng. Tuy nhiên, họ cảnh báo có thể phải tăng giá nếu khủng hoảng tiếp tục.
Chỉ số giá gạo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp đạt 142,4 trong tháng 8, tăng 31% so với cùng kỳ 2022 trong bối cảnh thiếu gạo trắng trên toàn cầu và lệnh cấm xuất khẩu ngũ cốc do Ấn Độ áp đặt kể từ tháng 7.
Đầu tuần này, Chan Foong Hin, Thứ trưởng Nông nghiệp và An ninh lương thực dự báo tình trạng thiếu gạo trắng nội địa sẽ được giải quyết khi vụ thu hoạch ở bang Kedah đã bắt đầu.
Malaysia cũng đang nỗ lực tăng sản xuất trong nước bằng "Chương trình đặc biệt gạo trắng địa phương" (BPT). Theo đó, các nhà sản xuất được đề nghị tăng sản lượng thêm 20% trong một năm. Họ thực hiện các dự án tăng năng suất lên trung bình 7 tấn mỗi ha (từ mức 5 tấn) tại một số cánh đồng diện tích lớn và tăng số vụ canh tác.
"Chính phủ đã đưa ra sáng kiến mới nhằm tăng sản lượng lúa và thu nhập cho nông dân trồng lúa, với việc trồng lúa 5 vụ trong 2 năm, nhằm tăng năng suất và đưa tỷ lệ tự cung cấp gạo quốc gia lên mức 80% vào năm 2030", ông nói. Hiện nông dân thường trồng lúa hai vụ một năm.
Giới chức nước này cũng có kế hoạch nghiên cứu và phát triển các giống lúa mới có thể thu hoạch trong 75 ngày, chống chọi tốt hơn với thời tiết khắc nghiệt và bệnh tật. Fakhrurrazi Rashid, nhà phân tích cấp cao tại Trung tâm tư vấn Merdeka, cho rằng cuộc khủng hoảng hiện nay là cơ hội tốt để chính phủ Malaysia xem xét lại toàn bộ khuôn khổ chính sách an ninh lương thực.
"Tình hình này là một cú sốc đối với nhiều người, đặc biệt là nhóm thu nhập thấp, vì chúng ta luôn phụ thuộc vào nhập khẩu gạo để đáp ứng nhu cầu nội địa. Chính phủ không nên chờ đến xung đột hay khủng hoảng mới hành động, và nên đưa ra thông điệp rõ ràng hơn như một cam kết với người dân", ông nói thêm.
Phiên An (theo Nikkei, MalayMail)