Theo Hãng tin Reuters, Mỹ cáo buộc Trung Quốc đã chi hàng tỉ USD hàng năm cho các nỗ lực thao túng thông tin, bao gồm cả việc mua cổ phần của các phương tiện truyền thông nước ngoài thông qua "các phương tiện công cộng và phi công cộng".
Thông tin trên được đưa ra trong báo cáo của Trung tâm Tương tác Toàn cầu thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ.
Mỹ cũng cáo buộc Trung Quốc tài trợ cho những người có ảnh hưởng trực tuyến và đảm bảo các thỏa thuận phân phối quảng bá cho chính phủ Trung Quốc không bị gắn nhãn nội dung.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington chưa phản hồi yêu cầu bình luận.
Trích dẫn các báo cáo công khai và "thông tin chính phủ mới thu được", Trung tâm Tương tác Toàn cầu tuyên bố Bắc Kinh đã tạo ra hệ sinh thái thông tin của riêng mình bằng cách thu hút giới tinh hoa chính trị và các nhà báo nước ngoài.
Theo cơ quan trên, Trung Quốc cũng đầu tư vào mạng lưới vệ tinh và dịch vụ truyền hình kỹ thuật số ở các khu vực đang phát triển, ưu tiên nội dung truyền thông do Bắc Kinh ủng hộ.
Ngoài ra việc thu thập dữ liệu của Trung Quốc ở nước ngoài "đã cho phép Bắc Kinh tinh chỉnh việc kiểm duyệt toàn cầu bằng cách nhắm mục tiêu vào các cá nhân và tổ chức cụ thể", phía Mỹ cho hay.
Theo Hãng tin Reuters, báo cáo của Mỹ được đưa ra trong bối cảnh tranh cãi về những nỗ lực của Trung Quốc nhằm mở rộng dấu ấn toàn cầu của các phương tiện truyền thông do chính phủ nước này kiểm soát những năm gần đây.
Đặc biệt đây là thời điểm cạnh tranh địa chính trị giữa hai nước ngày càng gia tăng.
Hồi tháng 7 vừa qua, Bắc Kinh đã phản ứng trước việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cáo buộc Trung Quốc thực hiện các chính sách cưỡng chế và truyền bá thông tin sai lệch.
Bắc Kinh cho rằng NATO coi thường các sự thật cơ bản, cố tình hạ uy tín của Trung Quốc và bóp méo chính sách của nước này.
Mỹ có thể tăng quyền lực đối với Huawei, ZTE
Ngày 28-9, Chủ tịch Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) Jessica Rosenworcel cho biết đề xuất của cơ quan này nhằm khôi phục các quy tắc trung lập có thể mang lại thẩm quyền mới để loại bỏ thiết bị của hai hãng công nghệ có trụ sở tại Trung Quốc là Huawei và ZTE.
FCC đang tìm ý kiến đóng góp của công chúng cho đề xuất dài 129 trang nêu trên, về các quy tắc mới nhằm cấm các nhà cung cấp dịch vụ internet chặn/hạn chế lưu lượng truy cập hoặc cung cấp các kết nối nhanh phải trả phí.
Điều này sẽ cho FCC "quyền lực mạnh hơn để yêu cầu nhiều tổ chức loại bỏ và thay thế các thiết bị và dịch vụ truyền thông của Huawei và ZTE".
Quan chức hàng đầu của Bộ Quốc phòng Mỹ Lindsey Ford nói việc Philippines tháo 'hàng rào nổi' của Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough là nước đi táo bạo.