Hội nghị do đồng chí Phạm Thanh Hà, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và đồng chí Ngô Tân Phượng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đồng chủ trì. Tham gia hội nghị còn có lãnh đạo các Vụ, Cục NHNN, NHNN chi nhánh tỉnh Bắc Ninh; Lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh; đại diện lãnh đạo các Sở, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp, TCTD trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
Theo Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà, Bắc Ninh có vị trí quan trọng trong tam giác phát triển kinh tế trọng điểm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Thời gian qua ngành ngân hàng đã triển khai nhiều chính sách, giải pháp về tín dụng góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cả nước nói chung, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh nói riêng. Hội nghị tổ chức hôm nay nhằm mục tiêu nắm bắt các khó khăn, vướng mắc từ đó cùng nhau bàn và tìm các giải pháp tháo gỡ nhằm tiếp tục đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng vốn vay dễ dàng và hiệu quả hơn trong những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024.
Toàn cảnh Hội nghị
Thông tin tại hội nghị, Ông Nguyễn Xuân Bắc , Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, ngay từ đầu năm, NHNN đã định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 khoảng 14-15%, điều hành tín dụng phù hợp, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế và có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế; Đến ngày 15/9/2023, tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 12,6 triệu tỷ đồng, tăng 5,56%. Về điều hành giảm lãi suất để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế: NHNN đã liên tục điều chỉnh giảm 04 lần các mức lãi suất điều hành với mức giảm 0,5-2,0%/năm. Đến nay, các TCTD cam kết tổng tiền lãi được giảm khoảng 19.000 tỷ đồng.
Thông tin từ NHNN chi nhánh tỉnh Bắc Ninh, các TCTD trên địa bàn đã triển khai nhiều giải pháp tích cực nhằm hỗ trợ khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng, như giảm lãi suất cho vay, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ 4.0 trong phát triển sản phẩm, dịch vụ NH, triển khai nhiều gói vay ưu đãi, hướng tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên, tập trung cho vay sản xuất kinh doanh.
Đến 31/08/2023, dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đạt trên 154 nghìn tỷ đồng, tăng 5,8% so với cuối 2022 (cao hơn mức tăng toàn quốc: 5,56%).Triển khai Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp tính đến cuối quý II năm 2023, các TCTD đã cho vay mới với dư nợ đạt khoảng 61 nghìn tỷ đồng cho hơn 2.500 doanh nghiệp và một số khách hàng khác; thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ (gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ) đối với 12 doanh nghiệp và một số khách hàng khác với dư nợ trên 600 tỷ đồng và thực hiện các hình thức hỗ trợ khác (điều chỉnh giảm lãi suất, giảm phí,..) với dư nợ gần 4.400 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Ngô Tân Phượng phát biểu tại Hội nghị
Trao đổi tại hội nghị, đại diện các ngân hàng, doanh nghiệp đã chia sẻ về kết quả đạt được của hoạt động sản xuất kinh doanh và những khó khăn mà ngân hàng và doanh nghiệp đang phải đang phải đối mặt, những vướng mắc trong quan hệ tín dụng giữa hai bên. Các ngân hàng và doanh nghiệp đã có những trao đổi, trực tiếp đối thoại, giải đáp và nêu các giải pháp cụ thể tháo gỡ những vướng mắc được nêu liên quan đến một số vấn đề nổi bật như: các chính sách hỗ trợ, lãi suất, tài sản đảm bảo, vấn đề bảo lãnh tín chấp…
Phát biểu tại hội nghị, Ông Ngô Tân Phượng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đánh giá cao nỗ lực của ngành Ngân hàng trên địa bàn trong việc đầu tư vốn vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thế mạnh của tỉnh đặc biệt trong bối cảnh cả ngân hàng và doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn từ đầu năm đến nay. Qua đó, góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì hoạt động, thúc đẩy sản xuất kinh doanh đóng góp cho các chỉ số tăng trưởng của tỉnh.
Đại diện lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh cũng nêu kiến nghị, thời gian tới ngành ngân hàng cần có giải pháp tín dụng phù hợp tăng cường khả năng hấp thụ vốn cho nền kinh tế, tăng cường kết nối, phát huy đường dây nóng, chủ động giải quyết các vướng mắc giữa ngân hàng, doanh nghiệp. Đồng thời, mở rộng tín dụng, tiếp tục cải tiến quy trình, thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay, đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận vốn tín dụng để thực hiện sản xuất, kinh doanh.
Ông Nguyễn Xuân Bắc Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế phát biểu tại Hội nghị
Với tinh thần đồng hành, chia sẻ cùng người dân, doanh nghiệp, ngành ngân hàng sẵn sàng triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành ngân hàng thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách của Chính phủ, chỉ đạo của NHNN, Tỉnh ủy, UBND Bắc Ninh về thực hiện các giải pháp tiền tệ và hoạt động ngân hàng, các giải pháp phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn. Thường xuyên làm việc với các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn để nắm bắt, chủ động xử lý các kiến nghị; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo NHNN, UBND tỉnh để được xem xét xử lý theo quy định.
Phó Thống đốc cũng đề cao vai trò quan trọng từ phía UBND tỉnh, các Sở, ban ngành, chính quyền các cấp phối hợp chặt chẽ với ngành ngân hàng trong triển khai các chính sách; đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để cùng tháo gỡ khó khăn trong các lĩnh vực đất đai, thuế, cơ sở hạ tầng... giúp người dân, doanh nghiệp trên địa bàn vượt qua khó khăn, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo đà phát triển trong thời gian tới.
AL
Ảnh: TK
Xem thêm: 528675VBS=emaNcoDd?001mc/sknil/iv/latrop/retnecbew/nv.vog.vbs.www