Tối 28-9, hiệu trưởng Trường tiểu học Hồng Hà (quận Bình Thạnh, TP.HCM) đã họp phụ huynh lớp 1/2 và sau đó chi trả tiền thu sai quy định cho phụ huynh với mỗi phụ huynh được trả hơn 9,5 triệu đồng.
Hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm đều bị Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Bình Thạnh xử lý kỷ luật bằng hình thức phê bình.
Không cá biệt
"Hoan hô chính quyền quận đã có biện pháp xử lý nhanh chóng nhưng đây chỉ là phần ngọn. Còn bao nhiêu lớp học của Trường Hồng Hà thu quỹ tự nguyện 10 triệu/phụ huynh?
Với tư cách một phụ huynh, tôi thiết tha đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cần mạnh tay hơn nữa trước tình trạng lạm thu của các trường trên địa bàn" - một phụ huynh bức xúc nói với Tuổi Trẻ.
Tương tự, một phụ huynh tại quận 5 (TP.HCM) cũng cho rằng việc xử lý lạm thu quỹ phụ huynh học sinh tại Trường Hồng Hà không mang tính răn đe.
Bởi bản chất vấn đề là việc thu chi này có lợi cho nhà trường, có lợi cho giáo viên và cũng thỏa mãn được một số phụ huynh thích biến con mình thành "khác biệt", "thích con cái mình hơn người" trong môi trường học đường.
"Trường con chúng tôi học cũng có những lớp được phụ huynh đầu tư hoành tráng lắm, gạch phải là gạch xịn, rèm cửa phải là rèm thương hiệu lớn, quạt và máy lạnh chưa hư đã thay... Họ đang biến lớp học thành nơi thể hiện sự giàu có, nên tôi thấy sự việc ở Trường tiểu học Hồng Hà không là cá biệt" - vị phụ huynh này nói.
Bình luận về những lùm xùm xung quanh vụ thu quỹ phụ huynh sai quy định này, một phụ huynh tại TP.HCM ngao ngán cho rằng năm học nào cũng xảy ra và cũng gây xôn xao dư luận. Phụ huynh này đánh giá đó là do năng lực quản lý yếu kém của hệ thống giáo dục.
Theo phụ huynh này, chỉ cần một văn bản cấm tuyệt đối các hội phụ huynh được thu hộ nhà trường (dù trên danh nghĩa hay thực tế) và cố định các khoản đóng góp theo từng quận, huyện theo đời sống thực tế. Nếu trường muốn thu thêm thì phải hỏi ý kiến phòng hay sở giáo dục. Cách chức hiệu trưởng nếu phát hiện thì "đảm bảo sẽ không ai dám thu tự nguyện như vậy nữa".
Phải quy định rõ về thu - chi trong nhà trường
Trả lời Tuổi Trẻ, một chuyên gia giáo dục từ Trường đại học Sư phạm TP.HCM cho rằng sự việc lạm thu ở Trường tiểu học Hồng Hà không chỉ là sự việc "lạm thu" đơn thuần mà nó ảnh hưởng lớn đến bình đẳng trong giáo dục, trong giữ nề nếp, kỷ luật của một cơ sở giáo dục, một tài sản công.
"Mỗi lớp một ban đại diện, một cô giáo, ai muốn làm gì với phòng học của con mình đều được hay sao? Thử hỏi 10 lớp trong trường mà đều mỗi nơi sửa một kiểu, đầu tư một phách thì còn đâu là quy củ trường lớp?" - vị chuyên gia đặt câu hỏi.
Theo chuyên gia này, các cơ quan quản lý giáo dục cần cấm tuyệt đối việc tân trang lớp học, đảm bảo thẩm mỹ chung và công bằng trong môi trường giáo dục.
Không để học sinh này bị phân biệt với học sinh kia chỉ vì bàn ghế khác nhau, lớp học khác nhau, phòng học khác nhau...
Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng nguyên nhân của tình trạng lạm thu "năm nào cũng xảy ra, năm nào cũng lớn, mỗi năm một biến tướng" là do các văn bản pháp luật và các quy định về thu chi, hoạt động của ban đại diện, hoạt động vận động tài trợ trong các trường chồng chéo, không quy định rõ ràng, muốn hiểu sao cũng được nên nhiều đối tượng dễ dàng lợi dụng xã hội hóa giáo dục để lạm thu, lạm chi.
"Không phải người quản lý họ không đọc, không phải ban đại diện không biết, không phải giáo viên không lưu ý mà do quy định của chúng ta chưa chặt chẽ.
Tôi đề nghị phải rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật về thu hộ, chi hộ trong nhà trường. Đồng thời phải ra những văn bản theo hướng: quỹ phụ huynh phải đưa ra mức phí thu trần, mang tính tự nguyện.
Đối với các khoản tài trợ, cho tặng phải là nhà trường đứng ra nhận. Mức phí trần này dựa trên thu - chi của địa phương để đưa ra mức trần. Còn các khoản tài trợ, cho tặng theo hình thức xã hội hóa phải có cơ chế hoạt động riêng" - vị chuyên gia này góp ý.
Quy định chi tiết những khoản không được thu
Ngày 29-9, trả lời báo Tuổi Trẻ, ông Lê Hoài Nam - phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM - nói rằng sở quán triệt việc thu chi, kinh phí của ban đại diện cha mẹ học sinh phải đảm bảo nguyên tắc công khai, dân chủ, không quy định mức kinh phí bình quân cho mỗi phụ huynh.
Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện, không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh.
Đó là các khoản như cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường...
Tài trợ phải được phòng hoặc sở phê duyệt
Ngày 29-9, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đã ban hành văn bản số 5577 chấn chỉnh công tác thu chi đầu năm học; vận động tài trợ cho giáo dục và kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh năm học 2023 - 2024.
Theo đó, công tác thu chi đầu năm học, vận động tài trợ cho giáo dục và kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh năm học 2023 - 2024 phải được phòng giáo dục và đào tạo hoặc Sở Giáo dục và Đào tạo (theo phân cấp quản lý) phê duyệt trước khi tổ chức vận động và trên tinh thần tự nguyện, không áp đặt.
Nội dung kế hoạch vận động tài trợ phải xác định rõ mục đích, đối tượng thụ hưởng, kế hoạch triển khai thực hiện, dự toán kinh phí; khuyến khích các nhà tài trợ tổ chức thực hiện việc đầu tư, xây dựng theo hình thức "chìa khóa trao tay", mua sắm trang thiết bị và lắp đặt hoàn chỉnh để bàn giao cho cơ sở giáo dục; mở rộng đối tượng tài trợ, không tập trung vào việc vận động từ cha mẹ học sinh...
Sau vụ đóng 10 triệu quỹ phụ huynh, Sở Giáo dục TP.HCM đã ra văn bản yêu cầu các trường phải nộp kế hoạch vận động tài trợ để Phòng hoặc Sở phê duyệt.