Nhiều tiềm năng nhưng thiếu đặc sắc
Trở về Tp.HCM sau 3 ngày đi du lịch “mùa nước nổi” ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, du khách Nguyễn Thị Nguyên Thảo bình luận, cách làm du lịch tại đây chưa tốt.
Du khách Trần Nhật Thịnh, ngụ tỉnh Bình Dương cũng cho rằng, thực tế chỉ thấy một vài cửa hàng do người kinh doanh mở ra rồi hợp tác với hãng tàu đưa khách đến những nơi có liên kết bán hàng lưu niệm, đồ ăn trong khi du khách không được trải nghiệm điều gì đặc sắc.
“Tàu trên sông để ngắm cảnh cũng chỉ qua loa, chạy cho lẹ. Chợ ở trên sông lớn, phục vụ bán sỉ là chính nên hoạt động mua bán không nhộn nhịp và người dân chỉ họp buổi sáng đến 9h là ngừng, du khách đi trễ là không tham gia được”, anh Thịnh kể lại.
Nhiều chuyên gia, doanh nghiệp ngành du lịch cũng thừa nhận, mặc dù có đầy đủ điều kiện để trở thành trung tâm du lịch hàng đầu cả nước với nhiều tiềm năng và nét đặc sắc, nổi bật nhất là du lịch sinh thái nhưng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn bị xem là "vùng trũng" của du lịch Việt.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch, cho rằng nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long chưa đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch trong khi vẫn nói tỉnh mình giàu tài nguyên, tiềm năng lớn.
"Khách du lịch không đi xem tiềm năng, họ mua dịch vụ, thưởng thức cái mà địa phương có. Muốn hút khách, doanh nghiệp cần đến từng nơi khảo sát, khai thác các tài nguyên thiên nhiên, văn hóa bản địa để tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng", ông Bình nói và so sánh Đồng bằng sông Cửu Long với các tỉnh Tây Bắc hay Đông Bắc”, ông Bình so sánh.
Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng giám đốc Flamingo Redtours nhận định, Đồng bằng sông Cửu Long còn nhiều khó khăn để phát triển du lịch dù tài nguyên giàu có. Nguyên nhân là hạ tầng giao thông kém, di chuyển từ Tp.HCM đi các tỉnh miền Tây "không mấy thuận tiện". Khoảng cách di chuyển giữa các tỉnh trong vùng ngắn, chỉ khoảng vài chục km nhưng xảy ra tình trạng tắc đường liên tục, kéo dài hàng tiếng.
Miền Tây từ trước đến nay du lịch thường chỉ theo mùa. Ông Hoan cho hay du lịch trong vùng chủ yếu khai thác các sản phẩm tập trung vào mùa nước nổi từ tháng 10 đến tháng 12, thời gian khác không có hoạt động gì đặc sắc.
“Các địa phương có ẩm thực đa dạng, nhiều nét văn hóa độc đáo nhưng không có điểm nhấn, khách chỉ tham quan 1-2 lần và ít khi quay lại. Vì thế, du lịch chưa biết khai thác rộng hơn vào những mùa thấp điểm hoặc khi đó không biết giới thiệu sản phẩm gì”, ông Hoan chỉ ra.
Ngoài ra, các tỉnh miền Tây không có tổ hợp dịch vụ du lịch quy mô lớn. Doanh nghiệp du lịch chỉ tập trung khai thác đoàn khách lẻ, số lượng nhỏ 15-20 người nên khó tiếp cận nhóm khách du lịch MICE, khách theo đoàn số lượng lớn.
Quy hoạch lại sản phẩm du lịch
Theo các doanh nghiệp lữ hành, để tận dụng tiềm năng và "đánh thức" du lịch miền Tây, các địa phương nên phát triển du lịch liên kết vùng. Mỗi tỉnh, thành phố xác định sản phẩm đặc trưng về cảnh quan, di tích hoặc ẩm thực sau đó kết hợp tạo thành sản phẩm liên kết.
Nghiên cứu của TS. Đinh Tiên Minh, Trường Đại học Kinh tế Tp.HCM cho rằng, Nhà nước cần tập trung xây dựng, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch trong khu vực, hình thành quỹ đầu tư phát triển du lịch để tạo nguồn lực cho du lịch địa phương phát triển sản phẩm.
Từ đó, các hoạt động kinh doanh du lịch tại Đồng bằng sông Cửu Long có thể tăng cường liên kết, hợp tác giữa các địa phương, giữa các công ty lữ hành và các trung tâm du lịch trên cả nước.
“Một điều quan trọng nữa là sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp quản lý nhà nước và địa phương cùng với các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước phát triển du lịch. Trong đó, có thể thí điểm thu hút vốn đầu tư, phát triển liên tục các dự án du lịch nhằm tạo lợi ích cho phát triển kinh tế du lịch địa phương”, ông Minh nói.
Coi trọng giải pháp xây dựng tuyến sản phẩm, ông Hà Văn Siêu, Phó Cục Trưởng Cục Du lịch Quốc gia khẳng định, Đồng bằng sông Cửu Long sở hữu nhiều tiềm năng và nguồn lực để phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Các địa phương cần tập trung vào chuỗi giá trị sản phẩm du lịch nông nghiệp nổi trội, gắn với trải nghiệm trong các khâu canh tác, nuôi trồng, chế biến cũng như trong tiêu thụ, tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp như lúa, gạo, cá, tôm, trái cây.
Cùng với đó, thông qua hoạt động du lịch, dịch vụ hỗ trợ chú ý lồng ghép nhiều hơn các giá trị văn hóa bản địa như văn hóa trồng lúa, phong tục, đời sống, nghệ thuật đờn ca tài tử… đưa vào phục vụ du khách.
Ông Siêu gợi ý, các địa phương cần khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo phát triển đa dạng sản phẩm và đẩy mạnh liên kết, phát huy vai trò của địa phương liên kết với Đồng bằng sông Cửu Long là Tp.HCM - thị trường nguồn, đưa khách đến đồng bằng thông qua các chương trình, tour du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch văn hóa…
Trong khi đó, ông Phan Đình Huê, chuyên gia thiết kế sản phẩm du lịch, Giám đốc Công ty Du lịch Vòng tròn Việt, sản phẩm du lịch ở Đồng bằng sông Cửu Long nên dành nhiều thời gian cho du khách tham gia vào các hoạt động hơn là thụ động nghe hướng dẫn viên thuyết minh như các tour tham quan phong cảnh.
Các sản phẩm lữ hành phải được tổ chức khác biệt, chuyển trọng tâm từ hướng dẫn viên trên tuyến thành nhà nông kiêm hướng dẫn viên tại điểm đến.