Báo cáo tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 9/2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, giải ngân vốn đầu tư công đã chuyển biến mạnh mẽ, nhất là từ đầu quý II đến nay.
“Điều này đã hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, đầu ra cho nhiều ngành, lĩnh vực; đồng thời, mở rộng năng lực sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh, góp phần tạo động lực tăng trưởng và phát triển trong trung và dài hạn”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Số liệu từ Bộ Tài chính cho biết, ước thanh toán đến ngày 30/9/2023 đạt khoảng 363.310 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 51,38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm 2023 cả về số tương đối và số tuyệt đối.
Năm ngoái, tỷ lệ giải ngân sau 9 tháng là 46,7%. Như vậy, tỷ lệ giải ngân 9 tháng năm nay đã cao hơn cùng kỳ năm ngoái 4,68 điểm phần trăm. Nếu so về con số tuyệt đối, cao hơn 110.000 tỷ đồng.
Trong số vốn giải ngân 363.310 tỷ đồng của 9 tháng, vốn trong nước là 355.374,7 tỷ đồng (đạt 52,33% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), vốn nước ngoài là 7.935,9 tỷ đồng (đạt 28,37% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Số vốn giải ngân từ nguồn Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là 49.470 tỷ đồng, đạt 38,4% kế hoạch Thủ tướng giao.
Báo cáo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính riêng trong tháng 9/2023, số vốn kế hoạch đầu tư công năm 2023 giải ngân là 62.968 tỷ đồng. Như vậy, trung bình 9 tháng đầu năm, số vốn đầu tư công giải ngân trong tháng đạt trên 40.000 tỷ đồng/tháng.
Tính theo tỷ lệ giải ngân, có 8 bộ, cơ quan trung ương và 27 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao, đạt trên 55% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, có Long An (93,85%); Bình Dương (91,28%); Đồng Tháp (84,06%); Tiền Giang (83,49%); Bà Rịa - Vũng Tàu (81,52%); Hải Phòng (81,02%).
Tuy nhiên, vẫn còn 42 bộ, cơ quan trung ương và 26 địa phương giải ngân dưới mức trung bình của cả nước (51,38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Tính theo giá trị giải ngân tuyệt đối, Bộ Giao thông - Vận tải đạt cao nhất, với trên 55.917 tỷ đồng, TP. Hà Nội đạt trên 25.251, TP.HCM gần 22.000 tỷ đồng, Bình Dương hơn 11.120 tỷ đồng, Hải Phòng trên 10.859.265 tỷ đồng… Đây chính là những bộ, cơ quan trung ương và địa phương có giá trị giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 cao nhất cả nước.
Kết quả giải ngân vốn đầu tư công trong 9 tháng là tích cực, tuy vậy, áp lực giải ngân trong những tháng còn lại là rất lớn, nhất là đối với giải ngân vốn từ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội.
Để thúc đẩy giải ngân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, phải thực hiện điều chỉnh vốn giữa các nhiệm vụ, dự án của Chương trình Phục hồi với các nhiệm vụ, dự án thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 theo quy định tại Nghị quyết số 93/2023/QH15 của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bảo đảm thực hiện hết toàn bộ số vốn của Chương trình trong năm 2023.
Cùng với đó, tiếp tục nghiên cứu các giải pháp tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, có chế tài xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công…
Việc tăng cường siết chặt kỷ luật, kỷ cương gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực cũng đã được nhấn mạnh.
“Các bộ, cơ quan, địa phương cần tiếp tục phát huy kết quả đạt được, nỗ lực phấn đấu giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch vốn năm 2023 được giao”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.