Mới 9% đăng ký
Theo quy định, khoảng 1.300 mã trái phiếu sẽ phải lên sàn trong 3 tháng tính từ khi hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đi vào vận hành (từ 19-7-2023).
Tuy nhiên, thông tin từ HNX, tính đến ngày 27-9 mới có hơn 110 mã trái phiếu đã đăng ký giao dịch và chờ giao dịch. Con số này vẫn còn khiêm tốn so với mục tiêu đặt ra, dù đích đến ngày 19-10 gần kề.
Còn khoảng hơn 90% trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ vẫn chưa thực hiện đăng ký giao dịch. Nói với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo HNX cho biết, hiện vẫn đang thúc đẩy quá trình này để kịp tiến độ đề ra.
Các doanh nghiệp phát hành cần tăng tiến độ thực hiện, bởi nếu chậm sẽ không được giao dịch ngoài sàn, theo lãnh đạo HNX.
Để kịp tiến độ, điều này phụ thuộc rất lớn về phía tổ chức phát hành. Đơn vị lưu ký, HNX có trách nhiệm trong việc đáp ứng nguồn lực để xử lý các hồ sơ niêm yết đảm bảo nhanh chóng và đúng quy định.
Nếu tổ chức phát hành không khẩn trương thực hiện đăng ký, dễ dẫn tới cảnh hồ sơ dồn về thời điểm gần cuối lớn, gây áp lực lên quá trình xử lý.
Khoản 3 Điều 18 Nghị định số 156 cũng đã quy định rõ về chế tài xử phạt với hành vi không đăng ký giao dịch, niêm yết hoặc đăng ký giao dịch, niêm yết không đúng thời hạn.
Trong đó, mức phạt tiền có thể lên tới 400 triệu đồng đối với hành vi đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán quá thời hạn trên 12 tháng hoặc không đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán.
Cập nhật dữ liệu trên HNX đến 27-9, trong số các lô trái phiếu đã đăng ký giao dịch, chiếm phần nhiều là nhóm ngân hàng, công ty chứng khoán...
Còn thống kê "top" đơn vị có giá trị giao dịch thỏa thuận nhiều nhất, sau hơn 2 tháng vận hành sàn là CTCP Sản xuất và Kinh doanh VinFast, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Công ty TNHH Kinh doanh nội thất Luxury Living, Công ty cổ phần đầu tư Nam Long, Công ty Chứng khoán Kỹ thương...
Khó kịp tiến độ đặt ra?
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, lãnh đạo một doanh nghiệp về xếp hạng tín nhiệm cho rằng, việc niêm yết hơn số trái phiếu còn lại trong 20 ngày tới là "khó khả thi".
Theo vị này, niềm tin trên thị trường vẫn đang giai đoạn hồi phục bước đầu, cầu chưa thể sôi động ngay. Chưa kể, "hàng hóa" trên sàn còn quá ít lựa chọn khiến cầu thấp.
Việc niêm yết còn buộc các tổ chức phát hành phải minh bạch hơn về thông tin có thể cũng khiến nhiều đơn vị ngập ngừng, chất lượng hàng hóa chưa cao.
Ông Nguyễn Quang Thuân - chủ tịch Fiingroup - nhấn mạnh hoạt động kê khai tập trung và với các yêu cầu về kê khai thông tin về tổ chức phát hành và lô trái phiếu đó sẽ góp phần cải thiện minh bạch thông tin cho thị trường.
Đồng thời việc đưa trái phiếu riêng lẻ lên sàn sẽ góp phần thực hiện giải quyết vấn đề thanh khoản khi cần thiết.
Khi hơn 1.300 lô trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được đưa vào giao dịch, ông Thuân cho rằng không thể kỳ vọng hệ thống này có thanh khoản cao.
"Giá trị giao dịch trên sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ có thể cao, nhưng chúng tôi đánh giá số lượng giao dịch sẽ thấp và không thể sôi động như thị trường cổ phiếu bởi bản chất của kênh đầu tư trái phiếu là đầu tư dài hạn, các nhà đầu tư tổ chức chủ yếu mua nắm giữ đến ngày đáo hạn", ông Thuân nói.
Thay vào đó, việc kê khai quy mô giao dịch tập trung sẽ tập trung chủ yếu giải quyết vấn đề minh bạch thông tin, tạo cơ chế định danh nhà đầu tư rõ ràng và nhanh chóng, góp phần bảo vệ nhà đầu tư và tạo cơ chế hình thành đường cong lãi suất trái phiếu doanh nghiệp.
Trái phiếu doanh nghiệp với mức lãi suất lên tới 14% chủ yếu tập trung ở nhóm doanh nghiệp bất động sản. Còn lại với nhóm sản xuất hoặc tài chính ngân hàng mặt bằng thấp hơn.