"Sinh viên tụi em hay đi xe máy điện, từ hôm xảy ra vụ cháy bi thảm ở chung cư mini, có chủ nhà trọ cấm bạn đi xe điện thuê. Nhiều bạn loay hoay mãi vẫn chưa tìm được phòng trọ, bạn muốn chuyển phòng trọ mới cũng khó" - Nguyễn Thị Thùy, sinh viên năm 2 ĐH Bách khoa Hà Nội, nói.
Lo lắng chỗ để xe, sạc pin
Thùy cũng bị tình cảnh đó, vì chiếc xe điện mà nhiều chủ trọ cân nhắc việc cho thuê phòng. Tới ngày đi học, Thùy mới tìm được chỗ ở ghép với người chị thuê trọ ở một chung cư lớn. Ở đây, bảo vệ chỉ nhắc nhở cô không sạc điện qua đêm chứ không cấm gửi xe điện.
Trên group "Hỗ trợ tìm nhà trọ sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội", chủ nhà T.M. đăng tin: "Chính chủ cho thuê căn một phòng ngủ, một phòng khách tại Phan Đình Giót, gần ngay khu bách khoa - kinh tế - xây dựng. Phòng rộng rãi, đầy đủ tiện nghi, có khóa vân tay, có thang máy. Tự do giờ giấc, có hầm để xe máy free, giá sinh viên". Nhưng lưu ý SOS: "Không nhận để xe đạp điện vì đảm bảo phòng cháy chữa cháy".
Trong khi đó, đăng tìm người trọ trên group "Tìm phòng trọ cho sinh viên tại Hà Nội", nick Ngọc Dương cũng lưu ý: "Nhà đã có hai xe điện, hai xe máy, không nhận thêm bạn có xe điện vì lý do an toàn".
Còn nick Nguyễn Thanh Linh đăng "Tìm phòng trọ ở một mình cho nam, khu vực ĐH Bách khoa - Kinh - Xây. Tài chính, 2,1 triệu đồng đổ lại, có chỗ để xe điện". Linh còn mở ngoặc giải thích: "Chỉ sạc xe điện ban ngày và trực tiếp đứng trông coi khi sạc".
Trần Bích Ngọc - sinh viên năm 1 ĐH Công đoàn, đang trọ tại khu nhà ba tầng ở ngõ 176 Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội - bày tỏ lo lắng: "Tầng một để ba xe máy điện lại thêm mấy xe máy xăng nữa. Tối về muộn vẫn thấy có bạn đang sạc, em phải nhắn lên nhóm Zalo bảo bạn nhớ rút ra trước khi đi ngủ. Nếu bạn quên thì em sẽ rút".
Nhiều sinh viên trước đó học cấp III đã được cha mẹ mua xe đạp điện, xe máy điện để đi học. Lên Hà Nội học ĐH, hầu hết đều mang theo. Nguyễn Thị Thùy cũng mang xe máy điện từ quê ra, ngoài đi học, một tuần Thùy đi dạy kèm hai buổi cách chỗ trọ hơn 4km.
Cha mẹ lên kiểm tra phòng cháy chữa cháy
Thực tế sinh viên, phụ huynh đi tìm nhà trọ đang đặt tiêu chuẩn an toàn lên hàng đầu. Có phụ huynh dưới quê không yên tâm chỗ ở của con đã theo ra Hà Nội để kiểm tra. Con trọ ở tầng cao, họ còn mua thang dây thoát hiểm cho con.
Ngược lại, để thu hút sinh viên tới thuê, nhiều chủ phòng trọ, chung cư mini còn kèm thông tin nơi ở đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy. Chủ nhà Trương Hải Nam đăng tin cho thuê phòng ở đường Trịnh Đình Cửu, quận Hoàng Mai, quảng cáo: "Nhà mới 100%, có thang máy. Phòng đầy đủ đồ, cửa sổ thoáng, ban công rộng, nội thất đầy đủ". Trong đó đặc biệt viết hoa dòng chữ: "Các tầng đầy đủ hệ thống bình cứu hỏa".
Nick Bảo Phương đăng cho thuê nguyên căn nhà năm tầng có thang máy tại Hạ Đình (quận Thanh Xuân) và nhấn mạnh... "nhà chỉ cách Trung tâm phòng cháy chữa cháy quận Thanh Xuân 20m".
Tuy nhiên, nhiều phụ huynh vẫn không yên tâm. Thế là các ông bố bà mẹ đón xe lên Hà Nội kiểm tra. Chị Phan Thị Hòa, ở An Lão, Hải Phòng đưa con gái nhập học ở ĐH Kinh tế quốc dân. Ngày thuê được nơi trọ an toàn cho con, chị mới yên tâm đón xe về.
Có con trai học ĐH Bách khoa, đang ở ghép tại chung cư cao tầng ở quận Hoàng Mai, chị Lê Thị Hiền ở TP Thanh Hóa tìm mua mặt nạ chống khói và dù nhảy gửi cho con phòng thân.
"Tôi lo suốt nhiều ngày qua, trên mạng thấy người ta dạy cách thoát hiểm khi hỏa hoạn. Có người mua thang dây, mặt nạ khí, dù nhảy để phòng thân. Tôi tìm hiểu, thang dây chỉ dùng cho nhà 4-5 tầng, còn cao hơn thì phải có dù. Tôi định mua cái dù giá hơn 3 triệu đồng cho con, nhiều cái tốt mà đắt quá không mua nổi", chị Hiền bày tỏ.
Để sinh viên yên tâm nhập học
Mỗi năm, ĐH Bách khoa Hà Nội đón gần chục ngàn sinh viên mới nhập học. Phòng công tác sinh viên không chỉ lo thủ tục giấy tờ, còn có tổ tư vấn nhà trọ cho sinh viên ở các tỉnh thành về trường. TS Phạm Mạnh Hùng, phó trưởng phòng, vừa họp trực tuyến vừa chuyển cho chúng tôi những thông tin hỗ trợ sinh viên mới nhập học vẫn đang cập nhật từng ngày.
"Khóa này Bách khoa có 8.600 sinh viên nhập học, trong đó sinh viên ngoại tỉnh chiếm 70%. Ký túc xá Bách khoa có hơn 1.000 chỗ, anh chị khóa trước quen với môi trường sẽ ra ngoài sống để nhường chỗ cho các em mới", thầy Hùng cho biết. Ngoài ra, trường còn kết nối chỗ ở tại khu ký túc xá Pháp Vân, do Hà Nội xây dựng để hỗ trợ sinh viên trên địa bàn TP. Tuy nhiên khu ký túc xá này xa, sinh viên chỉ muốn trọ gần trường để tiện đi học và làm thêm.
Các kênh tư vấn được trường lập ra như app "Nhà trọ" để sinh viên có thể tải về điện thoại, kênh ký túc xá sinh viên Bách khoa và group Facebook "Hỗ trợ tìm nhà trọ sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội". Trong group có các bạn sinh viên khóa trước, có chủ nhà trọ đăng tin phòng trống. Sinh viên mới và phụ huynh có thể đăng ký làm thành viên để được tư vấn.
Tổ tư vấn gồm năm cộng tác viên và rất nhiều tình nguyện viên đều là sinh viên năm hai trở lên có kinh nghiệm tìm nhà trọ. Tổ do thầy Nguyễn Việt Tiến phụ trách, có thể cử các bạn trực tiếp đến phòng trọ, xác minh chủ trọ đăng thông tin đúng hay sai để đánh giá 1 sao hay 5 sao chất lượng. Nếu chủ trọ nào sao xấu nhiều sẽ bị quản trị hack ra khỏi group.
Việc nhập học, tìm nhà trọ của sinh viên mới, theo các thầy, không khác những năm trước. Sinh viên và phụ huynh cũng thạo kết nối online để được tư vấn. Về tình trạng ở ghép, nạn lừa đảo, trộm cắp, ăn chặn tiền đặt cọc... luôn được cảnh báo sớm.
Chỉ khác những ngày gần đây, thông tin về an toàn phòng trọ, xe máy điện của sinh viên được thảo luận trên group nhiều. Tổ tư vấn của thầy Hùng và thầy Tiến tiếp tục theo dõi, giải đáp thắc mắc để sinh viên yên tâm học tập.
Về kiến thức phòng cháy chữa cháy, nhà trường đã định kỳ tổ chức buổi học chuyên môn cho sinh viên các khóa. Và trong "Tuần sinh hoạt công dân" của trường, sinh viên có thể thảo luận vấn đề kỹ hơn.
"Đối với sinh viên mới, chúng tôi thường có một yêu cầu nhỏ. Sau khoảng thời gian ở trọ, các bạn có thể viết một bản đánh giá, nhận xét về môi trường sống quanh mình", thầy Hùng nói đây là cơ sở để tổ tư vấn thông tin cho tân sinh viên.
Từ ngày công bố nguyên nhân cháy chung cư mini, các chủ nhà trọ có phần bớt khắt khe với xe điện như trước. Nhiều bản tin đăng tìm người trọ không còn ghi dòng chữ "cấm xe máy điện", thay vào đó ghi "có chỗ để xe rộng rãi thoải mái". Đặc biệt, bản tin nào cũng nhấn mạnh phòng trọ "đảm bảo phòng cháy chữa cháy" - điều mà trước đây các chủ trọ ít ghi.
Tuy nhiên cũng có một số chủ chung cư mini chưa yên tâm về xe điện, sợ khách trọ khác lo lắng nên vẫn từ chối người có xe điện thuê phòng.
Nằm sâu trong những con hẻm trên đường Nguyễn Thiện Kế, Lê Hữu Trác (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) có những dãy nhà trọ, xóm trọ đầy phận người.