Đó là chia sẻ của bác sĩ Fumiyo Tamura, Trường đại học Nha khoa Nippon, Nhật Bản, trong Hội thảo chuyên gia Việt Nam - Nhật Bản "Dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em trong 1.000 ngày đầu đời" ngày 30-9, tại Hà Nội. Hội thảo tổ chức nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản.
Chia sẻ tại hội thảo, bác sĩ Fumiyo Tamura cho hay tại Nhật Bản, vấn đề giáo dục ăn uống rất được chú trọng. Trong đó, mục tiêu của giáo dục ăn uống là tăng tỉ lệ người dân ăn chậm, nhai kỹ.
"Việc nhai kỹ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Các nghiên cứu cũng cho thấy kỹ năng nhai giúp phát triển mạng lưới thần kinh của não ở trẻ nhỏ. Nhai kỹ giúp kích thích tiết nước bọt, tăng lưu lượng máu não, kích thích dịch tiêu hóa, tạo cảm giác no và ngăn ngừa béo phì. Đây là kỹ năng không chỉ giúp ích cho sự phát triển của trẻ nhỏ mà người lớn cũng cần rèn luyện kỹ năng này", bác sĩ Fumiyo Tamura cho hay.
Chuyên gia Nhật Bản cho biết thêm việc phát triển kỹ năng nhai cần phải phù hợp với sự tăng trưởng, phát triển của từng trẻ nhỏ.
Trẻ được rèn luyện kỹ năng nhai trong quá trình ăn giặm đầu đời. Trẻ từ 5-6 tháng tuổi có thể ăn ở dạng xay nhuyễn hoặc dạng sệt. Trẻ từ 7-8 tháng tuổi có thể ăn dạng nghiền. Đến khi trẻ 9-11 tháng tuổi có thể sử dụng thức ăn có độ cứng nghiền nát một cách dễ dàng. Sau 1 tuổi, vai trò của răng là cắn đứt thức ăn, nghiền nát thức ăn.
"Nếu trẻ không được nuôi dạy ăn uống đúng cách trong giai đoạn ăn giặm, hoặc không được cung cấp loại thức ăn được chế biến phù hợp có thể dẫn đến việc chậm phát triển chức năng ăn uống, khó nuốt", bác sĩ Fumiyo Tamura khuyến cáo.
Theo các chuyên gia, tại Việt Nam nhiều cha mẹ còn mắc những sai lầm khi cho con ăn giặm. Trong đó, phổ biến nhất là cho trẻ ăn giặm quá sớm, cho trẻ ăn nước mà không ăn cái, xay nhuyễn mọi thức ăn hay nấu một nồi cháo cho trẻ ăn cả ngày.
Theo ông Trần Minh Điển - giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương, mặc dù đã có hướng dẫn về nuôi trẻ 1.000 ngày đầu đời nhưng việc thực hành còn nhiều hạn chế.
"Các nghiên cứu cho thấy có 59% trẻ được cung cấp chế độ ăn giặm đa dạng và đầy đủ. Sau 6 tháng đầu đời bú sữa mẹ, chúng ta cần bổ sung dinh dưỡng cho trẻ. Đây là thời điểm quan trọng cho sự phát triển thể chất và rèn luyện kỹ năng nhai cho trẻ.
Trong quá trình ăn giặm cần chú ý đến các nhóm chất dinh dưỡng bổ sung, tăng độ thô. Ban đầu có thể cho trẻ ăn bột, rồi tăng dần ăn cháo, sau đó ăn cơm", ông Điển khuyến cáo.
Trẻ uống quá nhiều sữa công nghiệp có nguy cơ thiếu sắt
Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hậu, Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM, cho hay tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi cũng khá phổ biến. Đặc biệt là tình trạng thiếu máu, thiếu sắt ở trẻ. Lứa tuổi có tỉ lệ thiếu máu, thiếu sắt cao nhất là từ 12 - 24 tháng tuổi.
"Thiếu sắt cao nằm ở nhóm trẻ bú mẹ trong 6 tháng đầu và mẹ không được bổ sung sắt. Ngoài ra, trẻ uống sữa công nghiệp quá nhiều trên 600ml/ngày, kém ăn cũng có nguy cơ thiếu sắt cao hơn", bác sĩ Hậu cho hay.
Trong khoảng thời gian từ 4 đến 6 tháng tuổi, chế độ ăn uống hoàn toàn bằng chất lỏng của bé đã trở nên lỗi thời so với tự nhiên.