Chiều 30/9, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn chủ trì phiên họp.
Tại họp báo, phóng viên đặt câu hỏi đến lãnh đạo Bộ KH&ĐT về kết quả nổi bật kinh tế - xã hội quý III cũng như 9 tháng đầu năm, trong đó riêng 2 động lực tăng trưởng là giải ngân đầu tư công và xuất khẩu thế nào, có những đột phá gì?
Trả lời nội dung này, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương chia sẻ, bản thân ông cũng như ngành KH&ĐT rất hồi hồi khi chờ con số tăng trưởng GDP quý III/2023 và 9 tháng.
“Khi nhận được kết quả thì chúng tôi cũng thở phào vì con số GDP quý III đạt 5,33% vượt qua nhiều mong đợi, đóng góp cho tăng trưởng 9 tháng đạt 4,24%”, ông Phương nói và cho biết, nếu so sánh với các nước trên thế giới và trong khu vực thì tăng trưởng của Việt Nam thuộc nhóm cao.
Cũng theo Thứ trưởng, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, kinh tế vẫn đi lên dù không quá cao nhưng đó là kết quả rất tốt. Trong báo cáo của Bộ KH&ĐT gửi đến Thủ tướng, cơ quan này cũng nhấn mạnh rằng “nền kinh tế dần lấy lại đà tăng trưởng, quý sau tăng nhanh hơn quý trước, tháng sau tích cực hơn tháng trước”.
Nói về hai động lực tăng trưởng, ông Phương cho biết, xuất khẩu hiện đang gặp rất nhiều khó khăn. Dù kết quả xuất siêu vẫn ở mức cao (gần 22 tỷ USD) nhưng phần nhập khẩu lại giảm nhiều, điều này phản ánh đúng thực trạng tình hình thế giới khó khăn, thiếu đơn hàng khiến quy mô sản xuất trong nước bị thu hẹp khiến nhu cầu nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu thấp.
Song, Thứ trưởng nhấn mạnh rằng, dù kết quả xuất nhập khẩu không đạt như kỳ vọng nhưng con số tăng trưởng từng tháng cho thấy, tháng sau ghi nhận tốt hơn tháng trước, và con số giảm về xuất khẩu cũng thấp dần đi qua từng tháng.
Về đầu tư công, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, đây là động lực tăng trưởng rất quan trọng cho nền kinh tế.
Theo số liệu từ Bộ Tài chính, ước thanh toán đến ngày 30/9/2023 đạt khoảng 363.310 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 51,38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm 2023 cả về số tương đối và số tuyệt đối.
Năm ngoái, tỉ lệ giải ngân sau 9 tháng là 46,7%. Như vậy, tỉ lệ giải ngân 9 tháng năm nay đã cao hơn cùng kỳ năm ngoái 4,68 điểm phần trăm. Nếu so về con số tuyệt đối, cao hơn 110.000 tỷ đồng.
Với kết quả này, Thứ trưởng nhấn mạnh rằng, đầu tư công 9 tháng chưa có năm nào vượt qua mức 50%, song năm nay đã vượt qua mức này.
“Năm 2023 không giống các năm trước, vốn rất lớn và tỉ lệ đạt cao với 51,38% cho thấy đây là kết quả rất tốt”, ông Phương nhấn mạnh.
Theo báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&ĐT cho biết, trong số vốn giải ngân 363.310 tỷ đồng của 9 tháng, vốn trong nước là 355.374,7 tỷ đồng (đạt 52,33% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), vốn nước ngoài là 7.935,9 tỷ đồng (đạt 28,37% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Số vốn giải ngân từ nguồn Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là 49.470 tỷ đồng, đạt 38,4% kế hoạch Thủ tướng giao.
Tính riêng trong tháng 9/2023, số vốn kế hoạch đầu tư công năm 2023 giải ngân là 62.968 tỷ đồng. Như vậy, trung bình 9 tháng đầu năm, số vốn đầu tư công giải ngân trong tháng đạt trên 40.000 tỷ đồng/tháng.
Tính theo tỉ lệ giải ngân, có 8 bộ, cơ quan trung ương và 27 địa phương có tỉ lệ giải ngân cao, đạt trên 55% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, có Long An (93,85%); Bình Dương (91,28%); Đồng Tháp (84,06%); Tiền Giang (83,49%); Bà Rịa - Vũng Tàu (81,52%); Hải Phòng (81,02%).
Tuy nhiên, vẫn còn 42 bộ, cơ quan trung ương và 26 địa phương giải ngân dưới mức trung bình của cả nước (51,38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Tính theo giá trị giải ngân tuyệt đối, Bộ Giao thông vận tải đạt cao nhất với trên 55.917 tỷ đồng, Hà Nội đạt trên 25.251, Tp.HCM gần 22.000 tỷ đồng, Bình Dương hơn 11.120 tỷ đồng, Hải Phòng trên 10.859.265 tỷ đồng… Đây chính là những bộ, cơ quan trung ương và địa phương có giá trị giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 cao nhất cả nước.
Tại phiên họp sáng nay với Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã cập nhật 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế quý IV và cả năm 2023, trong đó cao nhất là 6%.
Với kịch bản 1, tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 5%, quý IV cần tăng 7% (quý IV năm 2022 tăng 5,92%). Kịch bản 2, tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 5,5%, quý IV cần tăng 8,8%. Kịch bản 3, tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 6%, quý IV cần tăng 10,6%.
Trước 3 kịch bản này, Thủ tướng yêu cầu lựa chọn kịch bản tăng trưởng GDP cả năm khoảng 6% để tiếp tục phấn đấu đạt kết quả cao nhất có thể.